Chuyển đổi số tạo ra 'Chợ phiên OCOP' trên TikTok Việt Nam

22/05/2023 19:25 GMT+7

Tại Diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá của thanh niên, ban tổ chức cho biết, cơ quan chức năng đã phối hợp với TikTok Việt Nam và các địa phương tạo ra một chuỗi các chương trình "Chợ phiên OCOP".

Ngày 20.5, T.Ư Đoàn và Tỉnh đoàn Bắc Kạn tổ chức Diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP (sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm - PV) của thanh niên với chủ đề "Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP".

Diễn đàn có sự tham gia của Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương; Phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình, và các chuyên gia đến từ Bộ NN-PNT, các hợp tác xã thanh niên, doanh nghiệp trẻ…

Chuyển đổi số tạo ra 'Chợ phiên OCOP' trên TikTok Việt Nam - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự diễn đàn

DƯƠNG TRIỀU

Giới thiệu văn hóa, đặc sản và bán hàng trên TikTok

Tại diễn đàn đã diễn ra phần tọa đàm, chia sẻ về khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP từ các diễn giả đến từ các đơn vị cơ quan nhà nước, đại diện nền tảng thương mại điện tử, nhà bán hàng trên TikTok.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), thông tin trung tâm này đã cùng TikTok ký kết hợp tác nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trong việc số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc chương trình OCOP.

Năm 2022, TikTok tổ chức thành công hơn 10 khóa đào tạo địa phương về chuyển đổi số, thu hút 200 chủ thể mở gian hàng trên TikTok Shop để bán hơn 500 sản phẩm đặc trưng mỗi vùng, miền. Đặc biệt, hashtag #OCOP và #DacSanVietNam đã thu hút lần lượt 305 triệu và 350 triệu lượt xem, qua đó mở ra cơ hội tìm kiếm, tiêu thụ và phát triển tiềm năng cho các sản phẩm OCOP.

Chuyển đổi số tạo ra 'Chợ phiên OCOP' trên TikTok Việt Nam - Ảnh 2.

Các diễn giả chia sẻ thông tin tại diễn đàn

DƯƠNG TRIỀU

Mới đây, Bộ Công Thương, Bộ NN-PT-NT phối hợp với TikTok Việt Nam và các địa phương tạo ra một chuỗi các chương trình "Chợ phiên OCOP".

"Vào thứ bảy hàng tuần, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương để có một chương trình livestream kéo dài 6 tiếng mỗi ngày, giới thiệu về văn hóa, đặc sản địa phương và bán trực tiếp trên TikTok. Qua đó, chúng tôi muốn tạo thói quen vào thứ bảy hàng tuần, mọi người sẽ lên xem livestream, từ đó mua sắm đặc sản của các địa phương", ông Tiến cho hay.

Tại diễn đàn, rất nhiều nội dung khác được đưa ra thảo luận. Trong đó, các vấn đề được quan tâm, đặt câu hỏi và được giải đáp nhiều hơn cả, gồm: livestream bán hàng nên bắt đầu ở đâu và như thế nào; kinh doanh trên nền tảng số như TikTok làm sao để quản lý được chất lượng sản phẩm; làm sao kiểm duyệt các sản phẩm OCOP khi lên sàn để đảm bảo sự công bằng, chính xác; tỉnh Bắc Kạn thời gian tới sẽ có những hỗ trợ gì đối với việc xúc tiến thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản...?

Chuyển đổi số tạo ra 'Chợ phiên OCOP' trên TikTok Việt Nam - Ảnh 3.

Các bạn trẻ giới thiệu sản phẩm OCOP bên lề diễn đàn

DƯƠNG TRIỀU

Các câu hỏi, những nội dung được quan tâm đã được các chuyên gia, đại diện bộ, ngành T.Ư và tỉnh Bắc Kạn, đơn vị bán hàng giải đáp một cách thỏa đáng tại diễn đàn.

Nâng cao nhận thức của thanh niên về chuyển đổi số

Chia sẻ tại diễn đàn, anh Ngô Văn Cương nhận định, chuyển đổi số có tác động tích cực đến phát triển sản phẩm OCOP, tạo động lực cho các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và thu nhập. Từ đó, tạo động lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Anh Ngô Văn Cương cũng cho biết, T.Ư Đoàn xác định rõ vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ thanh niên nông thôn áp dụng công nghệ cao và ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý.

Chuyển đổi số tạo ra 'Chợ phiên OCOP' trên TikTok Việt Nam - Ảnh 4.

Anh Ngô Văn Cương phát biểu tại diễn đàn

DƯƠNG TRIỀU

T.Ư Đoàn đã phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị có liên quan đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên nông thôn, nông dân và xã hội về tầm quan trọng của chuyển đổi số, vai trò và các bước thực hiện chuyển đổi số cũng như ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để cùng nhau trao đổi, thảo luận về 3 vấn đề, gồm: khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; kinh tế số từ góc nhìn của thương mại điện tử; quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số.

Đây là 3 vấn đề rất quan trọng, là những giải pháp rất cụ thể để thực hiện những mục tiêu đổi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững", anh Ngô Văn Cương nhấn mạnh.

Theo anh Ngô Văn Cương, chương trình OCOP đã trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Kạn.

Với những chia sẻ tại diễn đàn, các chủ thể, hợp tác xã nông nghiệp, thanh niên của tỉnh có thể khai thác những tiềm năng sẵn có tại địa phương để tiếp tục chuyển mình trên hành trình chuyển đổi số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.