Chuyển đổi số tạo ra xung lực rất tốt cho tăng trưởng

15/01/2025 18:00 GMT+7

Chuyển đổi số sẽ là xung lực tốt cho cải cách môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp có sự an tâm, niềm tin trong thực hiện đầu tư kinh doanh, theo đó sẽ tạo ra xung lực rất tốt cho tăng trưởng.

Thúc chuyển đổi số, bớt tư lợi

Phát biểu tại tọa đàm "Chuyển đổi số - động lực của tăng trưởng" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 15.1, tại Hà Nội, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), đánh giá môi trường kinh doanh hiện nay gắn với chuyển đổi số rất lớn.


Chuyển đổi số tạo ra xung lực rất tốt cho tăng trưởng- Ảnh 1.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, chuyển đổi số sẽ là xung lực tốt cho cải cách môi trường kinh doanh

ẢNH: TUẤN MINH

Để thiết lập một môi trường kinh doanh thuận lợi có nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên, rất quan trọng là phải tạo ra thể chế pháp lý minh bạch, rõ ràng, cụ thể và hiểu thống nhất.

Yếu tố thứ hai là thiết lập thể chế pháp lý theo hướng giảm chi phí tuân thủ, gồm chi phí tiền bạc và thời gian, giảm rủi ro. Giảm rủi ro nghĩa là sự thay đổi về chính sách không quá nhanh hoặc những điều chỉnh về chính sách có thể dự đoán, hiểu một cách thống nhất.

"Chuyển đổi số sẽ là xung lực tốt cho cải cách môi trường kinh doanh. Khi có môi trường kinh doanh minh bạch, doanh nghiệp có sự an tâm, niềm tin trong thực hiện đầu tư kinh doanh, theo đó sẽ tạo ra xung lực rất tốt cho tăng trưởng", bà Thảo nhấn mạnh.

Vị chuyên gia phân tích, áp dụng chuyển đổi số nghĩa là các thủ tục, hệ thống quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sẽ thực hiện trên môi trường điện tử, dựa trên cơ sở dữ liệu để quản trị doanh nghiệp. Khi đã có dữ liệu, có thể quản trị doanh nghiệp theo hướng quản trị rủi ro. Điều này vừa tạo ra sự tuân thủ tốt của doanh nghiệp, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả quản lý nhà nước.

"Nguồn lực con người là nguồn lực hữu hạn; sự hỗ trợ của công nghệ, dữ liệu sẽ giúp quản trị tốt hơn. Khi có sự quản trị tốt hơn, rõ ràng tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch hơn, tăng tính tuân thủ, đồng thời giảm đi gánh nặng cho quản lý nhà nước", bà Thảo nói.

Vị chuyên gia nhìn nhận, chuyển đổi số cũng giúp giảm cơ hội tạo ra những dư địa về tham nhũng. Khi áp dụng chuyển đổi số, các cơ quan cũng không có xu hướng tư lợi, lồng ghép lợi ích trong hệ thống pháp luật. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để tạo ra nền thể chế minh bạch, thực thi hiệu quả.

Áp lực, động lực cải cách phải được thực hiện thường xuyên

Nhìn nhận hệ thống pháp lý hiện nay có sự chồng chéo, đan xen rất nhiều lĩnh vực, bà Thảo nói, số hóa đòi hỏi chia sẻ dữ liệu. Muốn chia sẻ dữ liệu như vậy cần có khung thiết kế tổng thể về hệ thống pháp luật để đảm bảo thống nhất trong quản lý.

Chuyển đổi số tạo ra xung lực rất tốt cho tăng trưởng- Ảnh 2.

Các khách mời tham dự tọa đàm

ẢNH: TUẤN MINH

Để có thể vận hành kinh tế số, giúp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bà Thảo cho rằng, trước tiên cần hoàn thiện hệ thống pháp luật dựa trên một khung thiết kế đồng bộ, tổng thể. Ví dụ, đối với môi trường kinh doanh là chính sách quản lý với doanh nghiệp.

Lĩnh vực nào do bộ, ngành nào quản lý và phải đảm bảo tính đồng bộ để không tạo ra sự chồng chéo, khập khiễng giữa hệ thống văn bản pháp luật. Khi có hệ thống pháp lý đồng bộ mới có được hệ thống dữ liệu và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan để có thể sử dụng chung.

"Một trong những yếu tố rất quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước không được yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm thông tin mà Nhà nước đã có. Ví dụ, Bộ Xây dựng đã có dữ liệu của doanh nghiệp, khi làm việc với Bộ TT-TT không cần yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm nữa vì cùng là hệ thống quản lý nhà nước", bà Thảo nhấn mạnh.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ liên quan đến một lĩnh vực mà có tính đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực, điều đó dẫn tới đa quản lý. Để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, yếu tố tiếp theo được vị chuyên gia đề cập là áp lực, động lực cải cách phải được thực hiện thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan. Bởi nỗ lực cải cách trong một lĩnh vực được thúc đẩy, nhưng lĩnh vực khác lại suy giảm sẽ làm triệt tiêu kết quả của cải cách.

"Yếu tố nữa rất quan trọng trong cuộc cách mạng về chuyển đổi số là khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình này. Chuyển đổi số không chỉ có cơ quan quản lý nhà nước mà phải xuất phát từ cả doanh nghiệp", bà Thảo nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.