Chuyển đổi số, thị trường cần gì ở sinh viên báo chí, truyền thông?

18/12/2022 14:31 GMT+7

Sự có mặt của chuyển đổi số trong công tác báo chí, truyền thông hiện nay đã thúc đẩy những xu hướng đào tạo khác, cũng như đặt ra các tiêu chí tuyển dụng mới đối với ứng viên.

Theo các chuyên gia, một vài ứng dụng chuyển đổi số đã và đang diễn ra trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, có thể nhắc đến như việc số hóa toàn bộ các nội dung báo chí, truyền thông, tự động hóa, thực tế ảo và thực tế tăng cường.

Điều này dẫn đến những thay đổi trong cách đào tạo hiện nay để đáp ứng nhu cầu thực tế. Những vấn đề này được chỉ ra tại tọa đàm đào tạo báo chí và truyền thông trong kỷ nguyên số do khoa Báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức ngày 17.12.

Những xu hướng đào tạo mới

Thạc sĩ Phạm Duy Phúc, Phó khoa Báo chí và truyền thông (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), nhận định bên cạnh khối kiến thức cơ bản và chuyên sâu, các chương trình đào tạo báo chí, truyền thông hiện nay chú trọng tích hợp kỹ năng đa phương tiện, với mục đích giúp người học chủ động tất cả các khâu.

Các chuyên gia có mặt tại tọa đàm về đào tạo báo chí và truyền thông trong kỷ nguyên số

Ngọc Long

Sự tích hợp này vừa bao gồm kỹ năng của các phương tiện (tích hợp theo kiểu hàng ngang, như viết, chụp ảnh, làm đồ họa...) lẫn kỹ năng của một quy trình làm việc (tích hợp theo kiểu hàng dọc, như trong hoạt động báo chí là tư duy đề tài, săn tin, công bố sản phẩm trên nền tảng truyền thông, tương tác với bạn đọc...).

Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng kiến thức liên ngành cũng được điểm qua. Theo ông Phúc, đây là xu hướng chung của đào tạo ĐH. Riêng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, kiến thức của những lĩnh vực khác từ khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật đến kinh tế, quản trị, công nghệ đóng vai trò quan trọng giúp người học hiểu rộng và sâu, từ đó sáng tạo những nội dung đáng tin cậy.

Khi các kiểu màn hình lên ngôi, từ màn hình máy tính, điện thoại đến bảng quảng cáo, ông Phúc cũng lưu ý truyền thông thị giác (visual communication) đang được đặc biệt quan tâm. Ông Phúc nhìn nhận những nội dung đào tạo về sáng tạo hình ảnh như kể chuyện bằng hình ảnh, hoạt hình, đồ họa thông tin... đã được đưa vào giảng dạy ở nhiều cơ sở giáo dục.

“Nhìn chung, các xu hướng mới tập trung vào mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo sản phẩm cho nhiều phương tiện và nền tảng khác nhau, có kiến thức nền và phương pháp luận tốt để có khả năng tự học và tự thích nghi trong các môi trường làm việc đa dạng”, thạc sĩ Phúc cho hay.

Nhà báo Lâm Quang Hiếu, Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử Zing News, cho biết nhiều đơn vị tuyển dụng nhà sáng tạo nội dung để sản xuất thông tin

ngọc long

Ông Phúc cũng chia sẻ lĩnh vực thông tin, truyền thông có nhu cầu tuyển dụng cao trong giai đoạn hiện nay. Điều này thể hiện rõ nét trong thống kê năm 2021 của Vụ Giáo dục ĐH, khi số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào khối ngành báo chí và thông tin gấp 3 lần tổng chỉ tiêu, đứng thứ 2 trong số các ngành nghề được thí sinh lựa chọn nhiều nhất.

Vì lẽ đó, thạc sĩ Phúc khẳng định cần xây dựng chương trình đào tạo không chỉ hướng đến việc trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp với xu hướng thị trường và bối cảnh công nghệ mà còn phải rèn giũa thái độ cho người học. “Sinh viên hiện chưa có tinh thần chủ động, tích cực, kiên trì với công việc. Tình yêu và đam mê với nghề báo cũng đang giảm dần”, ông Phúc trăn trở.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, nguyên trưởng khoa Báo chí và truyền thông, nhìn nhận kỷ nguyên số đã mang lại nhiều động lực cho người làm báo nhưng bên cạnh đó cũng đem đến không ít cạnh tranh và nguy cơ mới, như mất đi quyền đại diện cho sự thật.

Do vậy, dù phải đối mặt với sự thay đổi của kỹ thuật, công nghệ lẫn những yêu cầu của thời cuộc, chương trình đào tạo báo chí, truyền thông bên cạnh phát triển những xu hướng mới, cũng phải giữ vững giá trị cốt lõi và sứ mệnh của nghề để luôn là “ngọn hải đăng” định hướng người học đi trên con đường đúng đắn.

Nhà tuyển dụng cần gì?

Đứng ở góc độ tuyển dụng, nhà báo Trần Việt Hưng, Ủy viên Ban biên tập, Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên, nhận định nhà báo hiện tại phải “uyên bác” hơn rất nhiều. Đó là nguyên nhân người học không chỉ cần giỏi kỹ năng mà còn phải thông thạo kiến thức liên ngành, tầm nhìn về đa lĩnh vực. “Khi tiếp nhận sinh viên thực tập, tòa soạn cũng có trách nhiệm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các em theo đúng yêu cầu của báo”, ông Hưng cho hay.

Anh Huỳnh Lê Khánh, Giám đốc phát triển nguồn nhân lực Golden Communication Group, cho rằng 2 tiêu chí quan trọng đối với sinh viên muốn làm việc ở lĩnh vực truyền thông là khả năng sáng tạo nội dung và hình ảnh

ngọc long

Mặt khác, thạc sĩ Nguyễn Hải Triều, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ truyền hình, Đài truyền hình TP.HCM, cho rằng những người làm nội dung phải đáp ứng với các thay đổi liên tục của mô hình truyền thông, như thuật toán phân phối nội dung đến người dùng mà các tập đoàn công nghệ đưa ra. “Những bạn sinh viên báo chí, truyền thông phải khắc sâu trong tâm trí rằng luôn chấp nhận sự thay đổi, không ngừng học hỏi hằng ngày và cung cấp thông tin chính xác”, thạc sĩ Triều khẳng định.

Theo nhà báo Lâm Quang Hiếu, Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử Zing News, thông điệp tuyển dụng được đưa ra trong năm nay là tìm kiếm nhà sáng tạo nội dung (content creator) thay vì phóng viên như trước đây. Ông Hiếu cũng cho rằng thói quen của người đọc, người xem đã thay đổi hoàn toàn sau nhiều biến chuyển của công nghệ nên đôi khi việc đào tạo tại trường không phù hợp với yêu cầu thực tế, đặt ra những thách thức cho các cơ sở giáo dục.

Ở khía cạnh truyền thông, anh Huỳnh Lê Khánh, Giám đốc phát triển nguồn nhân lực Golden Communication Group, nhận định sinh viên báo chí, truyền thông đang có 3 xu hướng về nơi làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Thứ nhất là trong bộ phận truyền thông của các doanh nghiệp, tiếp theo là trong công ty quảng cáo và một trào lưu mới là hoạt động trong những tổ chức phi chính phủ về các vấn đề xã hội, như HIV/AIDS, bạo lực gia đình, hay quyền của người đồng giới.

Từ trái qua: Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, tiến sĩ Triệu Thanh Lê (Trưởng khoa Báo chí và truyền thông), nhà báo Lâm Quang Hiếu, thạc sĩ Nguyễn Hải Triều, nhà báo Trần Việt Hưng, thạc sĩ Nguyễn Văn Hà, anh Huỳnh Lê Khánh

Ngọc long

Cũng theo anh Khánh, sinh viên cần được đào tạo chính quy nhiều hơn về truyền thông thị giác cũng như tự chủ động học hỏi về lĩnh vực này nếu muốn theo đuổi ngành truyền thông, nhất là khi làm việc ở những công ty quảng cáo. “Hiện tại, làm truyền thông toàn bộ đều là trên các nền tảng nên yêu cầu tính thị giác và sáng tạo rất cao. Một yếu tố khác là phải đảm bảo sáng tạo nội dung tốt và sạch”, vị giám đốc cho hay những tiêu chí tuyển dụng trong thời đại chuyển đổi số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.