Chuyển đổi số: Tìm cơ hội trong thách thức

15/12/2020 05:14 GMT+7

Nếu như chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc với tất cả mọi ngành thì đại dịch Covid-19 đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghệ nhanh nhạy, biết nắm bắt cơ hội.

Cú hích từ Covid-19

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông Việt Nam năm 2020 với chủ đề Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối chiều qua 14.12, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), cho rằng chuyển đổi số đã trở thành chủ đề nóng nhất trong chương trình hành động của Chính phủ, tất cả các bộ ngành địa phương, doanh nghiệp (DN), mà yếu tố tiên quyết mang lại thành công chính là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện. Chuyển đổi số là hy vọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tiến vào danh sách các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Chia sẻ quan điểm này, theo ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, DN công nghệ số VN là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.
“DN công nghệ lớn hãy tập trung vào việc phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian để các DN vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo, tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình DN khác nhau”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Cục phó Cục Tin học hóa, Bộ TT-TT, cho rằng Covid-19 đang tạo ra cơ hội bứt phá rất nhanh khi có những việc mất rất nhiều năm chưa thực hiện được, thì chỉ 3 tháng Covid-19 đã thực hiện thành công như dạy học trực tuyến, họp trực tuyến. Trên thực tế, đầu tư cho chuyển đổi số đang tăng rất nhanh.
Theo một khảo sát của Deloitte năm 2019, các lãnh đạo tổ chức, DN lớn (ở 123 nước và 28 ngành lĩnh vực) cho biết họ dự tính tăng trung bình 15% ngân sách đầu tư vào các sáng kiến chuyển đổi số. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Tập đoàn tư vấn McKinsey công bố rằng thế giới chỉ mất 8 tuần để thực hiện một bước tiến tương đương 5 năm của tiến trình chuyển đổi số nếu trong bối cảnh bình thường.

Cơ hội cho DN đi đầu

Theo ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc Công ty CNTT VNPT, Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Với vai trò một DN tiên phong, dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, hơn ai hết, VNPT hiểu rất rõ những tác động mang tính bùng nổ mà Covid-19 mang lại, từ bùng nổ nhu cầu học trực tuyến, đến nhu cầu khám chữa bệnh từ xa, cơ quan nhà nước và DN làm việc từ xa.
VNPT cũng đã triển khai và cung cấp các giải pháp đón đầu xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ này, từ giải pháp E-Learning cho 20.509 trường học, khởi tạo 8,66 triệu tài khoản học sinh, 621.587 tài khoản giáo viên. Ứng dụng vnEdu Mobile App cũng đứng đầu top1 Vietnam trong category education. Giải pháp đăng ký khám bệnh và tư vấn sức khỏe từ xa vnCare cũng được nhiều bệnh viện quan tâm. Đặc biệt, trong năm 2020, giải pháp VNPT eMeeting phục vụ hơn 1.000 cuộc họp của các cơ quan nhà nước...
Với nền tảng công nghệ vững chắc từ hơn 5.000 kỹ sư CNTT trải dài cả nước, tầm nhìn VNPT 2025 sẽ là đối tác số 1 của Chính phủ về chính quyền điện tử, tiên phong về chính quyền số. “VNPT sẽ trở thành tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam về làm chủ công nghệ 4.0 để giải quyết các vấn đề cấp thiết của đất nước. Dẫn đầu thị trường về cung cấp giải pháp toàn diện giúp chuyển đổi số, tổ chức DN”, ông Hy nhấn mạnh.
Quan điểm này cũng từng được ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, nhấn mạnh tại hội nghị chuyển đổi số do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN tổ chức cuối tháng 11. Theo ông Liêm, VNPT đã và đang tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia với vị trí DN công nghệ trụ cột. “Với chuyển đổi số chính quyền, VNPT đã được Chính phủ, bộ ngành và các địa phương tin tưởng đồng hành xây dựng Chính phủ số. Thế mạnh của VNPT là hạ tầng số với hạ tầng cáp quang tốc độ cao, mạng di động 4G, sắp tới là 5G và nguồn nhân lực CNTT”, ông Liêm chia sẻ.
Không chỉ tham gia tư vấn xây dựng các đề án và giải pháp CNTT; tham mưu, góp ý xây dựng các quy định, hướng dẫn triển khai Chính phủ số, VNPT còn đề xuất xây dựng các nền tảng số dùng chung quy mô quốc gia, như Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Cổng dịch vụ công quốc gia...
Chuyển đổi số có nội hàm rất rộng, tuy nhiên, theo ông Liêm, VNPT nhận thấy 3 điểm chung về khái niệm chuyển đổi số là hướng đến chủ thể khách hàng, nói đơn giản là thấu hiểu khách quan thông qua các ứng dụng di động, cổng thanh toán, hệ thống phân tích dữ liệu... Thứ hai, hướng đến các mô hình kinh doanh và dịch vụ mang lại giá trị mới, một DN số phải phát triển không ngừng nghỉ mô hình bán hàng mới, cách thức giao hàng, dịch vụ mới. Thứ ba là tối ưu hóa quy trình vận hành, ra quyết định dựa trên công nghệ. Nói cách khác, kết nối và chia sẻ là mối quan hệ vững chắc, đồng hành giữa quá trình chuyển đổi số của VNPT và các đối tác, dù là Chính phủ, bộ ngành, địa phương hay DN. Đây là lý do theo ông Liêm, khi xây dựng chiến lược tầm nhìn đến 2030, VNPT đã dành riêng một sáng kiến chiến lược có tên chuyển đổi số với kỳ vọng nâng cấp trải nghiệm khách hàng, trải nghiệm nhân viên, tối ưu các quy trình, thiết lập và hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới.
Điều quan trọng nhất quyết định thành công khi thực hiện chuyển đổi số đối với bất kỳ một DN, tổ chức nào, là ở sự sẵn sàng về phương diện lãnh đạo và sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần nhất là sự quyết tâm của người lãnh đạo và sự đồng tâm vào cuộc của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi. Như lời nhà sáng lập diễn đàn Kinh tế thế giới Klaus Schwab: “Trong thế giới mới, không còn câu chuyện cá lớn nuốt cá bé, mà là cá nhanh sẽ thắng cá chậm”.
Ông Huỳnh Quang Liêm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.