Chuyển đổi số trong bất động sản ở Việt Nam còn chậm nhưng sẽ là tất yếu

07/10/2022 19:21 GMT+7

Chuyển đổi số là tất yếu giúp doanh nghiệp bất động sản vượt qua những khó khăn và là cơ sở xây dựng, phát triển thị trường bất động sản chuyên nghiệp, bền vững.

Bất động sản chuyển đổi số còn chậm

Nhiều chuyên gia tại Hội nghị xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) bảo trợ tổ chức ngày 7.10 đều cho rằng, chuyển đổi số trong bất động sản còn chậm nhưng trong tương lai vẫn là tất yếu.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch thường trực VNREA, nhận định chuyển đổi số trong bất động sản ở Việt Nam còn chậm

l.q

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch thường trực VNREA, cho biết hiện nay, xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, thi công xây lắp công trình, sử dụng dữ liệu lớn trong phân tích hiệu quả đầu tư, chăm sóc khách hàng, công nghệ đầu tư tài chính, định giá bất động sản và giao dịch, bán hàng đang phát triển mạnh mẽ.

Nhiều quốc gia bắt buộc các công trình công cộng khi đầu tư xây dựng phải đáp ứng tiêu chí công trình xanh, công trình thông minh, nhiều đô thị thông minh với quy mô cấp thành phố đã được triển khai xây dựng mới hoặc chuyển đổi từ các đô thị cũ.

Trước yêu cầu bắt kịp với xu thế của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhu cầu về chuyển đổi số trong ngành bất động sản ở nước ta là rất lớn, tập trung vào một số lĩnh vực: các giải pháp công nghệ, thiết bị cho phát triển công trình xanh, thông minh; sử dụng số liệu lớn trong phân tích hiệu quả đầu tư, chăm sóc khách hàng; số hoá trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai; công nghệ định giá bất động sản tự động...

Chuyển đổi số trong bất động sản Việt Nam chậm hơn so với nhiều ngành, nghề khác

l.q

Cũng theo ông Hà, thị trường bất động sản còn có quan hệ trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ. Theo nghiên cứu của VNREA, thị trường bất động sản chiếm một phần không nhỏ trong tổng GDP.

Trong những giai đoạn phát triển ổn định, tín dụng cho bất động sản chiếm khoảng xấp xỉ 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống và mức tăng trưởng tín dụng bất động sản thường cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung khoảng 5%. Người dân tham gia đầu tư bất động sản với số vốn đặc biệt lớn. Chính vì vậy, tài chính bất động sản là lĩnh vực cần nhiều sản phẩm công nghệ ứng dụng trong thời gian tới.

Chuyển đổi số trong bất động sản còn nhiều tiềm năng

Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Meey Land, cho hay thị trường bất động sản ở nước ta đang có nhiều tiềm năng, cơ hội cho chuyển đổi số.

Theo ông Chung, chuyển đổi số có thể hiểu cơ bản là áp dụng các công nghệ giúp rút ngắn thời gian, chi phí, nhân lực trong quá trình tìm hiểu, mua bán bất động sản.

Cụ thể, chuyển đổi số sẽ giúp khách hàng tìm được sản phẩm bất động sản phù hợp nhất với mức giá hợp lý nhất; giúp quay vòng vốn nhanh, ổn định thị trường; kết nối cung cầu; giúp thị trường lưu thông, tăng tính thanh khoản.

Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ giúp môi giới bất động sản kết nối với khách hàng dễ dàng, giúp các sàn môi giới giảm chi phí nhân sự… Tóm lại, mục tiêu của chuyển đổi số - Proptech là đáp ứng 3 yếu tố cơ bản của thị trường bất động sản: cung cấp thông tin, hỗ trợ giao dịch và quản lý các quá trình.

Ông Hoàng Mai Chung đánh giá, chuyển đổi số trong bất động sản còn nhiều tiềm năng và là tất yếu

l.q

Theo ông Chung, hiện tại, các nền tảng công nghệ trên thị trường đã ra đời khá nhiều và giải quyết nhiều vấn đề cho xã hội, không phân biệt tầng lớp, giai cấp.

Trong khi đó, các đối tượng tham gia vào chuỗi bất động sản là rất lớn từ cá nhân, tổ chức, khách hàng với các khâu là giao dịch, mua bán, cho thuê, bảo trì… Thế nhưng, hiện Proptech tại Việt Nam chưa có dữ liệu người dùng lớn. Thực trạng ứng dụng công nghệ vào bất động sản ở nước ta còn rất chậm. Công nghệ là xu hướng tất yếu trong các ngành nghề nhưng thực tế là bất động sản lại có những bước đi sau so với mặt bằng chung. Chuyển đổi số trong bất động sản đã có một số doanh nghiệp triển khai nhưng mỗi bên chỉ giải quyết một góc hẹp trong thị trường.

Cụ thể, ứng dụng công nghệ bất động sản đang chủ yếu tập trung ở mảng cho thuê, còn giao dịch chưa được áp dụng nhiều. Vì vậy, cần một hệ sinh thái được áp dụng và phải am hiểu và có nguồn vốn đủ lớn mới có thể đưa các doanh nghiệp bất động sản đi xa.

Ông Chung nhận định, nhu cầu giao dịch bất động sản lớn, do đó, cần có những công cụ để giao dịch nhằm giảm chi phí xã hội, tăng thanh khoản. Trong đó bao gồm bất động sản công nghiệp, bất động sản văn phòng, bất động sản nhà ở, bất động sản bán lẻ và dịch vụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.