Chuyển đổi số trong cơ quan báo chí: Muốn an toàn, sợ rủi ro thì không thể thực hiện

30/03/2022 18:57 GMT+7

Nhà báo Lê Quốc Minh chỉ ra kinh nghiệm của nhiều tòa soạn chuyển đổi số thành công là thực hiện những bước đi ngắn nhưng đi liên tục, chấp nhận rủi ro, thất bại trong ngắn hạn để đạt thành quả lâu dài.

Chiều 30.3, tại trụ sở Hội Nhà báo TP.HCM, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có buổi trao đổi chuyên đề về chuyển đổi số trong hoạt động báo chí với lãnh đạo Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí khu vực phía Nam.

Ông Lê Quốc Minh nhìn nhận chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là chuyển đổi sang công nghệ mới hơn, mà quan trọng phải thay đổi tư duy coi chuyển đổi số là xu thế tất yếu và tìm giải pháp để thích nghi.

“Các ý tưởng hay nhất không đến từ những lãnh đạo cao nhất nhưng mọi sự thay đổi đều đến từ cấp cao nhất. Nếu lãnh đạo muốn thử nghiệm cái mới, chấp nhận rủi ro thì sẽ sẵn sàng chuyển đổi số; còn nếu muốn an toàn, sợ rủi ro thì không thể thực hiện”, ông Minh nói.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao đổi về tính cấp bách và xu thế tất yếu của chuyển đổi số trong hoạt động báo chí

sỹ đông

Bên cạnh công nghệ, cơ quan báo chí cần đặc biệt quan tâm đến dữ liệu, trong đó cần nuôi dưỡng, chăm bón, phân tích dữ liệu và tạo ra nội dung mới từ dữ liệu thu thập được.

Trước sự thay đổi liên tục của công nghệ, ông Minh chia sẻ kinh nghiệm của nhiều tòa soạn trên thế giới là thay vì xây dựng kế hoạch 5-10 năm thì xác lập những bước đi ngắn nhưng thực hiện liên tục, chấp nhận rủi ro; khi gặp thất bại thì rút lui nhanh. Các tòa soạn cần sẵn sàng tâm thế chấp nhận thất bại trong ngắn hạn để đạt thành quả lâu dài.

Chia sẻ về con đường chuyển đổi số, ông Lê Quốc Minh cho biết có 5 yếu tố để đi đến thành công, trong đó điểm chung là ứng dụng kết hợp các công nghệ phức tạp. Kinh nghiệm của nhiều cơ quan báo chí chỉ ra, để chuyển đổi số thành công cần sử dụng các công nghệ: web, dịch vụ đám mây, mobile internet, big data, internet vạn vật…

“Dù vậy, sở hữu các công nghệ mới là khởi đầu, tạo ra thay đổi và sự khác biệt mới là yếu tố quyết định”, ông Minh đúc kết. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải tạo ra hứng khởi cho cả hệ thống; cán bộ cấp cao phải sáng tạo nhiều hơn, nhiều ý tưởng mới, có sự phối hợp các phòng ban.

Bên cạnh tìm kiếm các nhân tố tạo ra sự thay đổi từ bên ngoài, các tòa soạn cũng cần chú trọng việc phát hiện, tạo dựng những nhân viên có khả năng tạo ra thay đổi, phát huy sở trường của từng người.

Theo ông Lê Quốc Minh, tâm lý chung của nhiều nhân viên khi nghe đến chuyển đổi số là sợ hãi bị mất việc, bị đẩy ra rìa, nên các tòa soạn cần tạo cơ hội cho nhân viên nắm bắt và tham gia vào quá trình chuyển đổi số của cơ quan mình.

Trong buổi trao đổi, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam giới thiệu một số mô hình chuyển đổi số thành công trên thế giới như: The Washington Post (Mỹ) sử dụng hệ thống Heliograf để cá nhân hóa, hệ thống Modbot để lọc comment (phản hồi). Một số cơ quan khác cũng được coi là hình mẫu của chuyển đổi số như: The New York Times, The Guardian, The South China Morning…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.