Chuyện Đức Từ Cung - thân mẫu vua Bảo Đại cất giữ những bảo vật vương triều Nguyễn

23/02/2021 15:00 GMT+7

Ít ai biết bà Hoàng Thị Cúc, thân mẫu vua Bảo Đại - Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn mà người dân xứ Huế tôn kính gọi là Đức Từ Cung, từng cất giữ những bảo vật vương triều Nguyễn đến tận cuối đời.

Xuất thân từ một gia đình quan lại cấp thấp, cuộc đời của Đức Từ Cung Hoàng Thị Cúc cũng sẽ an phận như bao cô gái tuổi thanh xuân khác nếu cuộc đời không run rủi gặp được Phụng hóa công Nguyễn Phước Bửu Đảo - con trai cả của vua Đồng Khánh, nhân vật sau này trở thành vị vua thứ 12 của vương triều Nguyễn khi bà được tiến vào cung làm thị nữ.

Đức Từ Cung trong trang phục đại lễ chụp khoảng năm 1939

Ảnh: T.L của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn

Nói về công lao to lớn của bà đối với văn hóa dân tộc, trong tác phẩm Huế triều Nguyễn - Một góc nhìn của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn (Omega và NXB Thế giới ấn hành), tác giả cho biết: “Đức Từ Cung là người có nhiều công lao trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam vào đầu thập niên 1930. Bà đã tác động với vua Bảo Đại để thành lập An Nam Phật học hội mà bản thân nhà vua là Hội trưởng danh dự. Bà cũng tác động để vua Bảo Đại sắc phong các ngôi chùa: Tây Thiên, Tường Vân, Trúc Lâm (ở Huế) và chùa Khải Đoan (ở Buôn Mê Thuột) là chùa "sắc tứ" của triều đình Huế. Bà duy trì các hoạt động cúng bái, lễ nghi nơi tôn miếu và lăng tẩm các vị vua Nguyễn. Đặc biệt, nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của bà mà đoàn Ba Vũ - đoàn ca múa cung đình thời Nguyễn được duy trì cho đến ngày hòa bình lập lại. Nhờ vậy mà Huế mới giữ được một di sản văn hóa cung đình, là cơ sở đăng ký Nhã nhạc cung đình Huế sau này là di sản văn hóa của nhân loại”.
Cuộc đời “lên thác xuống ghềnh” của bà thật sự trở nên buồn đau nhất là khi vua Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm “lật đổ” trong một cuộc trưng cầu dân ý "giả hiệu" ngày 4.10.1955. Sách đã dẫn viết: “Chính quyền họ Ngô đối xử khắc bạc với Đức Từ Cung, trục xuất bà khỏi cung An Định, vốn là biệt cung do vua Khải Định xây bằng tiền túi để tặng cho Đông cung thái tử Vĩnh Thụy, và là nơi trú tất của Đức Từ Cung kể từ khi triều Nguyễn cáo chung. Vì vậy, bà chuyển đến sinh sống trong ngôi nhà ở cạnh cung An Định do bà tự mua”.

Tư thất xưa của bà ở Huế trở thành Khu lưu niệm Đức Từ Cung

Ảnh: Đại Dương

Bàn thờ của Đức Từ Cung trong Khu lưu niệm của bà tại Huế

Ảnh: Đại Dương

Xung quanh việc cất giữ những bảo vật vương triều Nguyễn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong một tư liệu mới công bố được tác giả Trần Đức Anh Sơn trích dẫn lại, thì “chính Đức Từ Cung đã giao cho thị vệ Nguyễn Đức Hòa bí mật chuyển lên Dinh Ba ở Đà Lạt hai két sắt chứa đầy ngọc ngà, châu báu của vương triều Nguyễn để cất giữ. Sau đó, bà bàn giao hai két sắt này cho chính quyền cách mạng…”.
Cũng theo tài liệu mới công bố của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khi Đức Từ Cung lâm bệnh nặng vào mùa thu năm 1980, biết mình khó qua khỏi, bà đã mời chính quyền thành phố Huế đến, nói: "Tôi vốn xuất thân trong gia đình nghèo, không có tài sản chi hết. Tất cả những gì còn giữ hôm nay đây đều của nhà Nguyễn. Nay nhà Nguyễn không còn nữa thì đây là tài sản nhà nước. Tôi xin bàn giao cho các ông…”.

Một số hình ảnh của Đức Từ Cung in trong sách Huế triều Nguyễn - Một góc nhìn

Ảnh: Quỳnh Trân

Đức Từ Cung - thân mẫu vua Bảo Đại và là người có công lớn trong việc cất giữ những bảo vật vương triều Nguyễn, mất ngày 3.10.1980, thọ 91 tuổi. Lăng mộ bà được xây cất ở làng Dương Xuân (Huế), cạnh lăng vua Đồng Khánh và vua Tự Đức. "Tư thất của bà trở thành Khu lưu niệm Đức Từ Cung, lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật và di vật có giá trị không chỉ của riêng bà mà còn của ba gia đình vua Đồng Khánh - Khải Định - Bảo Đại. Con người bình dị ấy thanh thản yên nghỉ giữa một vùng quê thanh bình, sau hơn chín thập kỷ trải nghiệm những trầm luân của số phận gắn với những thăng trầm của triều đại nhà Nguyễn”, tác giả Trần Đức Anh Sơn đúc kết về vị Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.