'Chuyện ghế' của Lê Thiết Cương

11/08/2019 05:53 GMT+7

Lê Thiết Cương là họa sĩ đông bạn, chiều bạn. Họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ đến nhà anh ở 39 Lý Quốc Sư (Hà Nội), ngồi dựa thoải mái trên ghế và bàn về việc nghệ thuật lẫn việc đời.

Cương chiều bạn đến mức có lần, anh bỏ toàn bộ một bộ bàn ghế xưa đi, thay vào đó là bộ sofa êm thật êm để họ ngồi cho dễ chịu. Nhưng Cương cũng giữ lại cho mình nhiều chiếc ghế truyền thống - để làm thành một bộ sưu tập. Anh quấn quýt chúng vì những hoa văn xưa cũ, bàn tay thợ khéo xưa cũ, tinh thần văn hóa giấu trong những mảng chạm.
Triển lãm Chuyện ghế của Lê Thiết Cương khai mạc ngày 9.8 (kéo dài đến 19.8 tại Hà Nội) và quan trọng nhất, có 30 chiếc ghế anh tự thiết kế trong suốt 18 năm qua. Những chiếc ghế thiết kế tối giản mà tinh thần truyền thống và sự hiện đại cứ trộn lẫn rất khó phân định. Có hoa văn chữ Thọ hoặc chữ Triện của truyền thống Á Đông. Cũng có cả chất liệu gốm Bát Tràng được sử dụng. Từng chiếc ghế ngoài việc để ngồi cũng là một hiện vật điêu khắc, trang trí. Cương bày ghế như bày lọ hoa. Anh tâm sự: “Không nên bó hẹp chiếc ghế theo nghĩa đen của nó”.
Ghế của Cương kiệm màu, hầu như mỗi chiếc ghế chỉ mang một màu. Khi có nhiều hơn, màu chủ đạo cũng sẽ phong tỏa phần còn lại. Mảng khối càng kiệm hơn. Cảm giác như anh đã có sẵn những modun vuông, tròn, tam giác rồi lắp kịch kịch là thành chiếc ghế của mình. Nói như thế không có nghĩa ghế của anh thiếu đa dạng. Cương giỏi ở chỗ mỗi chiếc ghế vẫn ánh lên những khối hình không giống nhau.
“Ghế để ngồi đã có trăm ngàn kiểu cách. Nhưng ghế để ngắm có lẽ mới có Lê Thiết Cương làm. Ghế đã thức dậy sau hàng thế kỷ phục tùng ngủ yên để mang một thân phận riêng tư là một tác phẩm nghệ thuật”, họa sĩ Trịnh Tú nói sau khi đã ngồi đủ loại ghế vuông tròn, có chữ hỷ hay không có chữ hỷ của Lê Thiết Cương. Ông Tú là con trai của người thiết kế đồ dùng giỏi nhất VN cho đến giờ phút này - cụ Trịnh Hữu Ngọc, với thương hiệu Memo hồi đầu thế kỷ 20.
Sau Hà Nội, triển lãm Chuyện ghế sẽ khai mạc ngày 29.8 ở Huế, 25.11 ở TP.HCM và 15.12 ở Đà Lạt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.