Vào những ngày thu này, dòng người vào lăng viếng Bác lại nối dài hơn. Mùa thu, cũng là khi số người tới đây dõi theo lễ thượng cờ, hạ cờ đông hơn hẳn các dịp khác trong năm.
Người dân dõi theo lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình - Ảnh: Thúy Hằng
|
Có mặt tại Quảng trường Ba Đình vào sáng sớm, PV Thanh Niên đã thấy hàng đoàn người, đứng trải dài khắp phố Ngọc Hà, chờ vào lăng viếng Bác.
Thiếu tá Hà Quốc Cường, trợ lý thanh niên Bộ tư lệnh Cảnh sát biển chia sẻ, anh có nhiều ngày được đến viếng lăng, nhưng cảm giác đi cùng tuổi trẻ Cảnh sát biển Việt Nam báo công dâng Bác, là một cảm giác khó tả: “Đây là lần đứng trên Quảng trường Ba Đình đặc biệt nhất kể từ ngày tôi vào lực lượng Cảnh sát biển đến nay”, anh chia sẻ.
Anh Hồng, một người lớn lên trong một căn nhà nhỏ ngay sát Quảng trường Ba Đình kể, mỗi dịp mùng 2.9, những đoàn người tới đường Hùng Vương, Độc Lập, Ngọc Hà nối dài hơn. Và đặc biệt, những người đến xem lễ thượng cờ, hạ cờ và mỗi sớm và tối đông hơn ngày thường. Lễ thượng cờ thực hiện vào mỗi 6 giờ sáng và nghi thức hạ cờ bắt đầu lúc 21 giờ các ngày, trước lăng chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hàng trăm lần xem lễ hạ cờ
Tối 25.8, có mặt trong hàng trăm người dân Hà Nội chuẩn bị đón xem lễ hạ cờ tại Quảng trường Ba Đình, ông Nguyễn Văn Tâm (65 tuổi, quê ở Tiền Giang) bồi hồi: “Tôi công tác ở miền Nam, trong những ngày làm việc tại Hà Nội, tôi đều cố gắng sắp xếp thời gian ra đây xem lễ hạ cờ. Đây là lần thứ 4 tôi có vinh dự này, cảm xúc vẫn rất đặc biệt, khoảnh khắc trôi qua rất nhanh, nhưng không khí thật thiêng liêng”.
Điều thú vị là lễ thượng cờ và hạ cờ đã trở thành một dấu mốc thời gian trong cuộc sống của không ít cư dân Thủ đô.
Ông Nguyễn Văn Hùng (75 tuổi, người Hà Nội) kể, gia đình ông 3 thế hệ sống cùng nhau tại một căn hộ trên đường Đội Cấn. Nhiều ngày trong tuần, cứ 20 giờ, cả hai ông bà cùng vợ chồng con trai và hai cháu nội ra khu vực Quảng trường Ba Đình đi bộ, sau đó theo dõi lễ hạ cờ lúc 21 giờ trước khi trở về nhà. Có lẽ đã hàng trăm lần trong cuộc đời mình, ông đã xem lễ hạ cờ mà không thấy nhàm chán, ngược lại nó còn trở một nhịp sống không thể thiếu của gia đình ông.
“Gia đình tôi đã duy trì thói quen này từ nhiều năm nay. Nếu con cháu bận rộn công việc không ra được, thì hai vợ chồng tôi vẫn cứ ra như thường lệ”, ông Hùng nói.
Trong số những người dân xem lễ hạ cờ như một mốc thời gian trong công việc của mình, có rất nhiều bạn trẻ.
Nguyễn Hải Nam, quê ở Thái Bình, sinh viên năm thứ ba, ĐH Quốc gia Hà Nội kể: “Tôi không sinh ra ở Hà Nội, 3 năm trước, tôi luôn đợi ngày mình đỗ ĐH, để được đến quảng trường Ba Đình theo dõi lễ thượng cờ, hạ cờ, như những gì mà anh chị tôi từng kể. Đến nay, tôi đã chứng kiến gần 20 lễ hạ cờ rồi và lần nào cũng thấy thiêng liêng”.
Nam cho biết, ngày 2.9 năm nay, anh sẽ cùng bạn bè thực hiện chuyến phượt 1 ngày quanh Hà Nội và trở lại chứng kiến lễ hạ cờ để kết thúc chuyến hành trình”.
Nếu lễ hạ cờ được đánh dấu là kết thúc cho một công việc nào đó thì lễ thượng cờ lại được coi là điểm khởi đầu. Nguyễn Trường Sơn, 19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Thủy lợi cũng cho biết, anh và 99 bạn trẻ khác vừa có hành trình đạp xe xuyên Việt từ Hà Nội tới TP.HCM trong 30 ngày, lễ thượng cờ trên Quảng trường Ba Đình được chọn là mốc thời gian đánh dấu điểm khởi đầu.
Trường Sơn bồi hồi nhớ lại lúc xem lễ thượng cờ: “ Đó là một cảm xúc khó tả, tôi thấy tim mình chộn rộn vì xúc động”.
Bình luận (0)