Chuyện gì với M.U ?

09/08/2022 07:00 GMT+7

Giới hâm mộ M.U dùng mọi lời lẽ để chỉ trích, phản đối, thậm chí nhục mạ gia đình Glazer, tức các ông chủ đội bóng khi đội chủ sân Old Trafford nếm mùi thất bại ngay trên sân nhà trong trận ra quân giải Ngoại hạng Anh.

Vẫn biết bóng đá không chỉ cần tiền, hoặc không ai có thể thành công chỉ bằng cách rải tiền mua sắm cầu thủ. Nhưng rõ ràng, đấy là một điều kiện cần. HLV Erik Ten Hag hiểu rõ các phẩm chất của tiền vệ Frankie De Jong, bởi chính ông từng đưa cầu thủ này lên hàng ngôi sao khi còn huấn luyện Ajax Amsterdam. De Jong cũng là ưu tiên 1 mà M.U phải mua bằng được khi Ten Hag đề ra kế hoạch vực dậy đội này. Giới lãnh đạo M.U tuyên bố đã thỏa thuận được giá chuyển nhượng De Jong với Barcelona từ rất lâu rồi. Nhưng tóm lại, đấy vẫn là cú chuyển nhượng “ảo” tính đến thời điểm này. Và khi M.U thua 1-2 trước Brighton ngay tại sân nhà, thì xuất phát điểm chính là thua từ khu vực giữa sân.

M.U (trái) thi đấu rời rạc, bế tắc trong thất bại trước Brighton

Reuters

Đá cặp với Scott McTominay giữa hàng tiền vệ, Fred tỏ ra là cầu thủ kém nhất trên sân. Anh chỉ chạm bóng 49 lần, chuyền chính xác 33 quả, hầu như không thể cầm bóng. Đây không phải là chuyện mới mẻ. Thế nên, vấn đề không chỉ là HLV Ten Hag vừa khởi đầu sự nghiệp ở Premier League bằng một kết quả không thể tồi tệ hơn. Vấn đề còn là: ông có nguy cơ rơi luôn vào vòng luẩn quẩn vì không có một tiền vệ ưng ý để bắt đầu cuộc chơi của chính mình. Sẽ bế tắc mãi, hay rút cuộc thì Ten Hag sẽ mua được một tiền vệ ưng ý trước hạn chót chuyển nhượng 1.9, và tạm hài lòng với câu quen thuộc “có còn hơn không”?

Trận này, Cristiano Ronaldo chỉ được vào sân từ ghế dự bị (thay Fred). M.U quả có khởi sắc một tí từ khi Ronaldo xuất hiện, nhưng đó là vì tiền vệ công Christian Eriksen lùi về hỗ trợ ở khu giữa sân, khi không còn Fred. Vẫn như mọi khi, người ta tiếp tục bàn về đề tài “đi hay ở” của Ronaldo. Kỳ thực, đó không bao giờ là vấn đề lớn đối với M.U, kể cả trong hoàn cảnh quá bi đát này. Như đã nêu, vấn đề là M.U đã lộ rõ nhược điểm ở hàng tiền vệ y như chính họ mùa trước. Không thể chiếm thế thượng phong, kể cả khi đã có ưu thế sân nhà, trước các tiền vệ như Pascal Gross, thì đành hỏi: không biết Ten Hag sẽ phải xoay xở thế nào trong những ngày tới.

Gross là ai? Một tiền vệ người Đức, đã 31 tuổi nhưng chưa bao giờ có hy vọng khoác áo Mannschaft. Chính Gross ghi cả 2 bàn giúp Brighton có được chiến thắng đầu tiên tại Old Trafford, trong một lịch sử đã kéo dài đến 113 năm. Thậm chí, cả đến bàn gỡ danh dự của M.U, cũng chỉ là pha phản lưới nhà của cầu thủ Brighton, mà VAR phải kiểm tra khá lâu trước khi xác định. Cũng cần nói thêm, Brighton đã mất tiền vệ đáng kể nhất của họ mùa trước là Yves Bissouma (vừa chuyển sang Tottenham với giá 30 triệu bảng).

Ngoài nhược điểm lớn nhất là không có tiền vệ giỏi cầm trịch, M.U còn rất mờ nhạt ở các vị trí hậu vệ cánh trong khi trung vệ mới tuyển Lisandro Martinez thì, đúng như dự đoán, tỏ ra quá chật vật vì thua thiệt về thể hình, trong bối cảnh chung là hàng thủ không được bảo vệ tốt. Phía trên, việc Eriksen xuất phát ở vị trí cao nhất trong đội hình cũng đã cho thấy Ten Hag nan giải với vấn đề lực lượng như thế nào. Thật ra, M.U cũng có hai niềm hy vọng trước khi Ten Hag ra mắt ở Premier League. Họ có một mùa giao hữu “xem được”, và Bruno Fernandes vẫn là một trong những ngôi sao hiếm hoi có đẳng cấp cao. Hóa ra, Fernandes đang rớt phong độ trong khi bóng đá giao hữu trước sau vẫn chỉ là giao hữu. Đáng lẽ các trận giao hữu khá ổn phải trở thành động lực tinh thần cho M.U. Đằng này, chính Ten Hag phải thừa nhận sau trận ra quân thảm họa: M.U của ông dường như đang mất tinh thần đến nỗi không thể tự tin chơi đúng khả năng của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.