Việt Nam là thị trường “béo bở”
FIFA chia thị trường mua bán bản quyền World Cup thành nhiều khu vực trên toàn thế giới và tiến hành đấu thầu để chọn các đại lý bán bản quyền tại từng khu vực đó. Theo một chuyên gia về bản quyền, quá trình đấu thầu này diễn ra cũng rất khốc liệt mà ở thị trường Việt Nam, kể từ World Cup 2010 trở lại đây, lại xuất hiện các đại lý khác nhau. Ví dụ như World Cup 2010, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) mua bản quyền từ Dentsu Alpha nhưng đến World Cup 2014, MP & Silva lại thắng các đối thủ sừng sỏ để trở thành nhà phân phối bản quyền truyền hình trên toàn lãnh thổ Việt Nam. World Cup 2018, sau khi tiến hành đấu thầu, FIFA đã chọn Infront Sport & Media làm đối tác ở thị trường Việt Nam và nhà phân phối này tiếp tục sở hữu gói bản quyền phát sóng World Cup 2022 tại nước ta.
Có khả năng khán giả VN sẽ không được xem World Cup 2022 trên sóng truyền hình |
AFP |
Giá bản quyền không bao giờ có mẫu số chung cho tất cả thị trường. Nhà phân phối của FIFA tùy vào tiềm năng kinh tế, sự đam mê bóng đá của khán giả tại mỗi khu vực để phân định giá cả. Tại Đông Nam Á, đối tác này đã phân khúc thị trường thành các nhóm khác nhau. Trong đó, những thị trường ít tiềm năng hơn được đưa vào một nhóm và giá bán không quá cao. Thái Lan được đánh giá là thị trường lớn nên giá bao giờ cũng cao nhất (như World Cup 2018, giá được bán lên đến 44 triệu USD), kế đó là Singapore và Việt Nam cũng được nhận định là thị trường “béo bở”.
Cuộc thương thảo rơi vào thế bế tắc, lời giải nào cho bài toán bản quyền World Cup 2022 tại Việt Nam? |
4 năm trước, giá được chốt là 12 triệu USD và VTV mua thành công khi có sự hỗ trợ đắc lực của 3 doanh nghiệp lớn. Còn World Cup năm nay, nhà phân phối hét giá ban đầu là 15 triệu USD. Xin được nhắc lại là khi tham gia đấu thầu, các nhà phân phối phải đưa ra con số cao nhất thì mới được FIFA chọn làm đại lý. Vì thế, đại lý nào trúng thầu, sẽ phải tìm cách bán có lãi chứ không bao giờ chấp nhận chỉ là thu hồi vốn và càng không bao giờ muốn bị lỗ.
Tạm “đóng băng”
Tại Việt Nam, khác với những kỳ World Cup trước đây, mỗi đơn vị truyền thông hoặc mỗi đài truyền hình lại đàm phán riêng lẻ với đại lý FIFA vì đơn vị nào cũng muốn sở hữu độc quyền (sau đó bán lại cho các đơn vị khác). Năm nay, có 2 đối tác đã bắt tay với nhau để cùng đàm phán (trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc một đài truyền hình lớn và 1 công ty cổ phần). Tuy nhiên, khi thương thảo, hai đơn vị này chưa nhận được sự đồng ý về mặt giá cả của đại lý FIFA. Hiện tại, nhà phân phối đã quay lại Anh và các cuộc thương thảo với phía Việt Nam đang tạm “đóng băng”.
Một thành viên của công ty cổ phần nói trên cho hay: “Chúng tôi muốn hạ giá thấp hơn so với con số rất cao mà phía bạn đưa ra. Tuy nhiên, các bên chưa thỏa thuận được. Việc đàm phán đang bị ngắt quãng hay nói cách khác là bị “đóng băng”. Có thể sau này sẽ nối lại đàm phán nhưng chúng tôi kiên quyết không mua với giá cao. Nếu Việt Nam không tính toán thì mãi mãi sẽ phải chạy theo giá bản quyền. Kỳ World Cup này lại cao hơn kỳ trước”. Được biết, ngoài gói bản quyền, các đơn vị nếu mua thành công còn phải chi thêm phí bảo hiểm, phí truyền dẫn phát sóng lên đến hàng chục tỉ đồng.
Mua gói lẻ không kèm thương mại
Trong trường hợp Việt Nam không thể mua được gói bản quyền phát sóng trực tiếp World Cup 2022, các đài sẽ làm gì để phục vụ khán giả? Chuyên gia bản quyền cho biết các đài có thể mua lại các gói tin của hãng thông tấn lớn trên thế giới để phát bản tin kèm hình ảnh tĩnh về trận đấu, hoạt động bên lề liên quan World Cup.
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, một quan chức của một đài truyền hình cho hay: “Nếu cuộc đàm phán thất bại, các đài vẫn có thể làm việc với đại lý của FIFA để xin mua những gói lẻ như clip highlight trận đấu, nhưng phải phát sóng (sóng sạch, không kèm logo) không quá 90 giây và đặc biệt không được phép gắn với thương mại. Nghĩa là các đài sẽ không được kinh doanh ở gói lẻ này thì có thể đối tác sẽ đồng ý”.
Bình luận (0)