Sau đây là 5 thói quen lành mạnh vào cuối ngày có thể giúp ngăn chặn đường huyết tăng đột biến vào ban đêm.
1. Đi ngủ sớm hơn
Các chuyên gia nhấn mạnh điều đầu tiên và quan trọng nhất là ưu tiên giấc ngủ.
Chuyên gia dinh dưỡng Anthea Levi, người sáng lập Trung tâm dinh dưỡng Alive + Well Nutrition (Mỹ), khuyên nên tập thói quen buổi tối để có giấc ngủ chất lượng và cố gắng ngủ đủ giấc mỗi đêm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị tốt nhất nên ngủ từ 7- 9 giờ mỗi đêm, theo trang tin Live Strong.
Nếu không ngủ đủ giấc để phục hồi sức khỏe, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng insulin. Điều này có thể dẫn đến đường huyết tăng đột biến vào ngày hôm sau, theo CDC Mỹ.
2. Cố gắng không ăn ngay trước khi đi ngủ
Mức đường huyết thường tăng cao sau bữa ăn. Vì vậy, ăn quá gần giờ ngủ có thể làm tăng đường huyết suốt đêm.
Bác sĩ Kunal K. Shah, Phó giáo sư Khoa Nội tiết tại Trường Y Rutgers Robert Wood Johnson (Mỹ), giải thích: Nếu ăn quá gần giờ ngủ, tuyến tụy buộc phải làm việc quá giờ. Nếu lượng đường tăng cao vào buổi tối thì nhiều khả năng cũng sẽ tăng cao vào buổi sáng.
Ông Shah nói, điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng nó "đúng 100%" đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Theo thời gian, điều này có thể khiến tuyến tụy bị tổn thương nhiều hơn.
Vì lý do này, các chuyên gia lưu ý không ăn ngay trước khi ngủ mà hãy ăn vài giờ trước khi đi ngủ.
Chuyên gia Levi khuyên để ngăn đường huyết tăng vọt ngay trước khi đi ngủ hoặc giảm quá thấp trước bữa ăn sáng, nên giữ bữa tối cách bữa sáng hôm sau khoảng 12 tiếng.
3. Tránh đồ ngọt hoặc carbohydrate sau bữa tối
Chuyên gia Levi khuyến nghị các bữa ăn cần cân bằng giữa protein, chất béo lành mạnh và chất xơ để kiểm soát đường huyết, đồng thời cô cũng nhấn mạnh cần tránh đồ ngọt và carbohydrate ngay trước khi đi ngủ.
4. Đi bộ vài phút
Một vài phút đi bộ vào buổi tối có thể có lợi trong việc giảm mức đường huyết.
Một phân tích tổng hợp vào tháng 8.2022 trên tạp chí Sports Medicine cho thấy chỉ đi bộ nhẹ nhàng cũng có thể làm giảm đáng kể đường huyết sau khi ăn, theo Live Strong.
5. Thư giãn
Bác sĩ Shah cho biết có mối liên hệ trực tiếp giữa căng thẳng và mức đường huyết. Bởi vì căng thẳng sẽ làm tăng mức cortisol. Hoóc môn này thúc đẩy gan và cơ bắp giải phóng thêm đường vào máu, khiến mức đường huyết tăng đột biến. Có thể thiền, tập yoga, đọc sách hoặc nghe nhạc thư giãn.
Bình luận (0)