Phương pháp không quan trọng bằng thời gian và nỗ lực
Từng 6 lần đạt 9.0 IELTS, thầy Đặng Trần Tùng, nhà sáng lập The IELTS Workshop, cho hay trước khi bắt đầu hành trình tự học, thí sinh cần hiểu bản thân phải trải qua "đường cong học ngôn ngữ" (language learning curve) có 4 giai đoạn tăng tiến khác nhau, tương ứng với trục tung là độ nhuần nhuyễn về ngôn ngữ và trục hoành là thời gian.
Thầy Tùng chia sẻ: "Giai đoạn đầu luôn là thời điểm 'nhục nhã' nhất khi ta đối diện với nhiều rối rắm, mông lung, chẳng biết đang đi đúng hay lệch hướng. Sau khi vượt qua, bạn sẽ đến 'dốc đứng tăng tốc', tức có công cụ cần thiết và cảm thấy niềm vui trong quá trình tự học. Lúc này, việc thành thạo tiếng Anh chỉ là vấn đề nỗ lực và thời gian chứ không cần có phương pháp đặc biệt".
"Quan trọng là phải tiếp tục bước đi", thầy Tùng nhấn mạnh trong buổi chia sẻ "Hành trình tự học và 9.0 IELTS" do trung tâm Home English tổ chức tại Đà Nẵng hôm 19.8.
Cũng theo nam giáo viên, ở giai đoạn "tăng tốc", người học vẫn có thể rơi vào trường hợp tiến bộ rất chậm, không nâng cao trình độ "vèo vèo" như mong muốn. Lúc này, thay vì "cố đấm ăn xôi", thí sinh cần tìm một "ngọn hải đăng" để được dẫn đường và tiếp thêm động lực.
"Nếu chỉ đi một mình thì chưa chắc các bạn có sự gan lì để đến đích cuối cùng. Một người đồng hành, hướng dẫn lúc này là cần thiết. Và nên nhớ, học ngôn ngữ chẳng có thắng hay thua, mà thước đo duy nhất là bạn có đạt được điều mình muốn với tiếng Anh hay không", thầy Tùng chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Phan Thị Song Sương, sáng lập Trung tâm Home English (Đà Nẵng), cũng cho rằng trên hành trình tự học, thí sinh phải luôn cần có một người định hướng. Nếu không, các bạn sẽ dễ gặp bối rối, nhất là trong giai đoạn đầu khi nền tảng tiếng Anh còn sơ khai.
"Một lỗi phổ biến là thí sinh cứ tập trung luyện đề khi ngôn ngữ còn chưa vững, từ đó dễ dẫn đến nản chí. Vì vậy các bạn hãy đọc sách, nghe các chương trình yêu thích bằng tiếng Anh để nâng cao năng lực ngôn ngữ thật tốt trước đã, đến gần thi hẵng bắt đầu làm đề cho quen dạng bài", cô Sương trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên.
Từ vựng là nền tảng
Lưu ý thêm về quá trình tự học, thầy Luyện Quang Kiên - từng đạt 9.0 IELTS tất cả kỹ năng và hiện là giáo viên luyện thi tại Hà Nội - nhận định, từ vựng chính là nền tảng cho mọi kỹ năng tiếng Anh. Vì thế, thí sinh bao giờ cũng phải nắm chắc ít nhất 1.000 từ thông dụng và sau đó tăng lên 3.000, rồi 5.000, "không thể có chuyện thích hay ghét".
Để việc học từ vựng đạt hiệu quả, thầy Kiên đề xuất "công thức 1:7", tức thí sinh phải gặp một từ ít nhất 7 lần trong những ngữ cảnh có nghĩa khác nhau thì mới có thể ghi nhớ đến mức phản xạ tốt. Tuy nhiên, nếu cảm thấy gặp khó trong quá trình đọc, các bạn cũng có thể chuyển sang nghe. "Riêng tôi dành 80% thời gian học để nghe tiếng Anh, 10% để đọc, nói và viết mỗi kỹ năng chiếm 5%", thầy Kiên chia sẻ.
"Khi đã nắm từ vựng đủ nhiều, những kỹ năng ngôn ngữ khác cũng sẽ tự nhiên tốt hơn vì không cần tốn thời gian suy nghĩ nên dùng từ gì. Từ đó, người học sẽ thấy vui khi ôn luyện tiếng Anh, thay thế cảm giác 'đâm đầu vào tường' như thuở mới bắt đầu", nam giáo viên đánh giá.
Cũng theo thầy Kiên, thí sinh có thể tìm đến những công cụ trí tuệ nhân tạo trong quá trình tự học để cải thiện các kỹ năng tiếng Anh. Chẳng hạn, ChatGPT lấy nguồn từ rất nhiều tài liệu có sẵn trên mạng nên thí sinh có thể nhập lệnh cho công cụ này viết lại văn bản nhất định theo ngôn ngữ học thuật hoặc sinh hoạt để học hỏi thêm, hoặc yêu cầu nó giải đáp các câu hỏi trong đề thi.
Tuy nhiên, việc có được kết quả quá dễ dàng từ ChatGPT sẽ khiến quá trình thẩm thấu kiến thức không sâu sắc như trước, vì thế người học ngoại ngữ cần có sự cẩn trọng khi sử dụng công cụ này, thầy Đặng Trần Tùng cảnh báo. Song song đó, ChatGPT cũng có những giới hạn nhất định.
"Chẳng hạn, khi dùng từ 'luxuriant' (tươi tốt, xum xuê), chưa trí tuệ nhân tạo nào có thể ứng dụng nó trong một ngữ cảnh văn học như, 'Một hạt rất nhỏ sự thật được tô vẽ bằng một chùm xum xuê những thứ ảo ảnh...'", nam giáo viên ví von.
Một yếu tố khác để hành trình tự học đạt hiệu quả là đặt kỳ vọng thực tế dựa trên tình huống của bản thân như thời gian và năng lực. Đừng đưa ra mục tiêu quá xa để rồi thất vọng vì "vô phương" thực hiện. "Động lực thôi thúc học có thể đến từ sở thích hoặc số điểm cụ thể, và bạn phải luôn nhớ lý do thôi thúc mình học tiếng Anh để quyến rũ bản thân đi đến đích, thay vì ép buộc mình", thầy Tùng khuyên.
Bình luận (0)