Chuyên gia chỉ 3 cách hiệu quả để kiểm soát đường huyết

19/09/2020 08:14 GMT+7

Nhiều người đang phải vật lộn với tình trạng đường huyết giảm hoặc tăng đột biến.

Mức đường huyết cao hoặc thấp mạn tính thực sự có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Có thể gặp các tác dụng phụ tiêu cực như mệt mỏi, thèm ăn, tăng cân, thay đổi tâm trạng, đau đầu…
Sau đây là lời khuyên của chuyên gia về 3 mẹo để duy trì lượng đường trong máu ổn định và tăng cường sức khỏe tổng thể cho bạn, theo Mbg.

1. Tránh các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao

Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh là một trong những bước đầu tiên để giữ mức đường huyết ổn định.
Nghĩa là, ngay cả khi ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng, vẫn cần phải lưu ý đến chỉ số đường huyết của loại thực phẩm đó.
Chỉ số đường huyết của một loại thực phẩm là mức độ làm tăng lượng đường trong máu của người ăn sau khi ăn thực phẩm này vào.
Tiến sĩ Leah Johansen, bác sĩ gia đình chuyên về y học chức năng người Canada, cho biết chìa khóa để kiểm soát lượng đường trong máu là ưu tiên ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, theo Mbg.
Các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao bao gồm carbs tinh chế, khoai tây, bánh mì trắng, gạo trắng và cả dưa hấu, xoài.
Trong khi các loại thực phẩm như rau xanh, lúa mạch, táo, lê, mận, cherry, đậu nành, đậu phộng và sữa không đường ít béo có chỉ số đường huyết thấp.

Mức đường huyết cao hoặc thấp mạn tính thực sự có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể

Ảnh minh họa: Shutterstock

2. Kết hợp nhiều rau xanh

Ngoài các loại trái cây và rau có đường huyết thấp, là một phần của chế độ ăn uống cân bằng, cần phải bổ sung nhiều chất xơ và nhiều loại chất dinh dưỡng đa lượng.
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, Frances Largeman-Roth, cho biết bổ sung đủ chất xơ mỗi ngày là điều cần thiết để duy trì lượng đường trong máu ổn định, theo Mbg.
Thực phẩm nhiều chất xơ gồm cần tây, bơ, lê, quả mọng, cà rốt, táo…
Người lớn nên cung cấp 25 - 35 gram chất xơ mỗi ngày, nhưng hầu hết chúng ta đều ăn không đủ.

3. Hãy thử tập luyện lúc bụng đói vào buổi sáng

Tập thể dục thường xuyên có thể là cách hữu ích để duy trì lượng đường trong máu ổn định.
Cơ bắp cần đường để cung cấp nhiên liệu, vì vậy khi tập thể dục hoặc tập luyện sức mạnh, lượng đường trong máu sẽ di chuyển từ máu đến cơ bắp.
Bác sĩ người Mỹ, tiến sĩ Amy Shah khuyên nên tập thể dục vào sáng sớm, trước khi ăn sáng.
Tiến sĩ Amy Shah nói, cơ thể sử dụng hết lượng đường trong máu qua đêm. Một khi đã hết, nó sử dụng đường dự trữ glycogen trong gan.
Tiến sĩ Shah cho biết, khi nhịn ăn qua đêm và tập luyện lúc bụng đói, bạn sử dụng hết lượng đường trong hệ thống, nên khi bắt đầu ăn lại, cơ thể sẽ nhạy với insulin, theo Mbg.
Những lời khuyên từ các chuyên gia này không chỉ giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu, mà còn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.
Duy trì lượng đường trong máu bình thường là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Điều này có thể được thực hiện với sự kết hợp của chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, thói quen ăn uống hợp lý, duy trì cân nặng hợp lý, tiêu thụ thường xuyên thảo mộc và gia vị chống tiểu đường như quế, gừng, tỏi, nghệ và hạt thì là, theo Mbg.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.