Chuyên gia chỉ ra các hoạt động giúp kiểm soát bệnh tiểu đường

12/10/2024 16:58 GMT+7

Bệnh tiểu đường loại 2 có thể tác động tiêu cực tới nhiều hệ thống cơ quan như tim, mắt, thận và cả não; làm suy giảm nhận thức, mất trí nhớ và tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thường thấy ở người cao tuổi.

Tiểu đường loại 2 là bệnh mãn tính, có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với cơ thể. Đáng chú ý nhất là gây mất thị lực, đau hoặc mất cảm giác do tổn thương thần kinh, đẩy nhanh quá trình lão hóa của não bộ.

Ước tính có 422 triệu người trên thế giới mắc bệnh tiểu đường năm 2014, trong đó hơn 95% thuộc tiểu đường loại 2. Dự báo toàn cầu cho thấy đến năm 2045, dự kiến sẽ có 783 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh này, theo Medical News Today.

Chuyên gia chỉ ra các hoạt động giúp kiểm soát bệnh tiểu đường- Ảnh 1.

Các triệu chứng của suy giảm nhận thức có thể xuất hiện ở người bệnh tiểu đường

ẢNH: PEXELS

Tiểu đường ảnh hưởng đến não thế nào?

Theo PGS-TS Thomas Barber, Bệnh viện Đại học Coventry & Warwickshire (Anh), bệnh tiểu đường loại 2 có liên quan đến sự kết hợp của các yếu tố sinh lý và chuyển hóa. Cụ thể, nồng độ đường huyết cao gây tổn thương mạch máu, bao gồm những mạch máu phục vụ não bộ. Việc giảm lưu lượng máu dẫn đến thiếu hụt oxy và chất dinh dưỡng đến não, gây sưng viêm và tổn thương tế bào thần kinh.

Bệnh tiểu đường lâu dài khiến thần kinh bị thoái hóa, suy thoái về cấu trúc, điển hình là sự co lại của các vùng hồi hải mã - một bộ phận có vai trò quan trọng trong việc ghi nhớ, học tập và cảm xúc. Có lý thuyết cho rằng lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài còn làm suy giảm chức năng của “hàng rào” bảo vệ não khỏi các tác nhân gây hại, từ đó khiến quá trình lão hóa não diễn ra nhanh hơn, PGS-TS Thomas Barber cho biết thêm.

Ngoài ra, cơ thể người bệnh tiểu đường loại 2 thường có hiện tượng kháng insulin - một hormone giúp vận chuyển đường (glucose) từ máu vào tế bào. Nguyên nhân chính dẫn là do sự tích tụ mỡ, đặc biệt là mỡ nội tạng, gây viêm và rối loạn chức năng tế bào, làm giảm khả năng đáp ứng của các tế bào với insulin. Trong thời gian dài, các tế bào não phải “cật lực làm việc” để sử dụng glucose đúng cách, làm suy yếu chức năng và suy giảm nhận thức ở não.

Chuyên gia chỉ ra các hoạt động giúp kiểm soát bệnh tiểu đường- Ảnh 2.

Bổ sung nhiều thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa và chống viêm như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, giúp giảm các chứng viêm liên quan đến bệnh tiểu đường

Ảnh: PEXELS

Giảm thiểu những tác động tiêu cực của bệnh tiểu đường

Điểm tích cực ở đây là bệnh tiểu đường loại 2 có thể được ngăn ngừa hoặc trì hoãn bằng một số thay đổi trong thói quen và lối sống hằng ngày, giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức do căn bệnh này gây ra.

Thay đổi chế độ ăn uống: Bổ sung nhiều thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa và chống viêm như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh (đặc biệt là dầu ô liu). Những thực phẩm này có tác dụng hỗ trợ sức khỏe não bộ và giúp giảm các chứng viêm có liên quan đến bệnh tiểu đường.

Loại bỏ thói quen hút thuốc, không tiêu thụ đồ uống có nhiều cồn cũng là những điều “hiển nhiên” để giảm thiểu hậu quả của bệnh tiểu đường lên não.

Hoạt động thể chất thường xuyên: Các bài tập như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe sẽ làm tăng lưu lượng máu đến não, tăng cường trí nhớ và giảm teo não ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. PGS-TS Thomas Barber cũng khuyến nghị mọi người nên tập thể dục 150 phút mỗi tuần để làm chậm quá trình lão hóa não.

Tăng cường hoạt động tinh thần: Tham gia các hoạt động giải đố, đọc sách, học các kỹ năng mới hoặc thậm chí là giao lưu xã hội để tạo ra một “kho dự trữ nhận thức”, giúp bảo vệ não khỏi quá trình lão hóa liên quan đến bệnh tiểu đường.

Việc đảm bảo giấc ngủ chất lượng 7 tiếng/ngày (đối với người trưởng thành), hạn chế các thiết bị điện tử trước khi ngủ cũng rất quan trọng nếu muốn phát huy tối đa công dụng của các hoạt động tinh thần nêu trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.