Chuyên gia đề xuất cho học sinh tiếp cận với ChatGPT từ tiểu học

08/04/2023 21:05 GMT+7

GS-TS Hoàng Văn Kiếm, nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ngành công nghệ thông tin, đã đưa ra đề xuất xây dựng chương trình, giáo trình hỗ trợ học sinh tiếp cận với các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT từ bậc tiểu cho đến THPT.

nTrong hội thảo về đổi mới dạy, học với ChatGPT và AI tại TP.HCM ngày 7.4, GS-TS Hoàng Văn Kiếm, chuyên gia nghiên cứu AI tại Việt Nam với vai trò là cố vấn cấp cao của tập đoàn giáo dục Á Châu, đã đưa ra những đánh giá về tác động của công cụ AI đối với việc dạy và học.

Ông Kiếm đồng thời đưa ra những gợi mở, đề xuất để học sinh phổ thông sớm tiếp cận với AI một cách bài bản nhất trong bối cảnh TP.HCM đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong giáo dục.

Học sinh cần học AI

GS-TS Kiếm phân tích, muốn phát triển thì việc giáo dục thế hệ trẻ tiếp cận với AI để ứng dụng trong cuộc sống là vô cùng quan trọng. Khi học sinh nâng cao được trí tưởng tượng, ước mơ, được trang bị kỹ năng thì các em sẽ thích thú việc học. "Đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM đang thiếu giáo viên, có những hạn chế về cơ sở vật chất thì chúng ta càng cần thúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, AI vào giải quyết những hạn chế căn bản", ông Kiếm nói.

Giáo viên làm gì để kiểm soát ChatGPT? - Ảnh 2.

GS-TS Hoàng Văn Kiếm nói về việc ứng dụng AI trong giáo dục

DUY NGÂN

Theo GS-TS Kiếm, hiện có khoảng 20 quốc gia trên thế giới bao gồm Trung Quốc, Qatar, Hàn Quốc… đầu tư cho thế hệ trẻ bằng việc đưa AI vào chương trình giảng dạy. Liên Hiệp Quốc cũng khuyến cáo AI sẽ là "ngữ pháp của thế kỷ 21" và kêu gọi các quốc gia phải "xóa mù AI". Từ đó, giáo sư Kiếm cho rằng giáo dục cần hướng đến AI.

Riêng đối với TP.HCM, ông Kiếm đề xuất Sở GD-ĐT cần mạnh dạn thí điểm một cách thận trọng và bước đầu có thể ứng dụng AI giảng dạy học sinh phổ thông ở các môn nghệ thuật, khoa học tự nhiên. Trong bối cảnh thiếu giáo viên thì việc sử dụng AI giảng dạy các môn học này là hết sức cần thiết, vừa giải quyết bài toán thiếu giáo viên, vừa nâng cao chất lượng học tập và năng lực học sinh, theo ông Kiếm.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục nên tìm hiểu đưa vào ứng dụng những phần mềm AI hướng dẫn học sinh học chương trình STEM, thực hiện thí nghiệm ảo mà không cần đến phòng thí nghiệm đắt tiền...

GS-TS Kiếm đề xuất, ở cấp độ tiểu học, tổ chức cho học sinh chơi với AI; ở bậc THCS vừa chơi vừa làm. Đến bậc THPT, học sinh đủ năng lực thì có thể tham gia vào một số đề án, khởi nghiệp có ứng dụng AI.

Giáo viên làm gì để kiểm soát ChatGPT? - Ảnh 1.

Tại hội thảo, ChatGPT được đánh giá như công cụ hỗ trợ cho giáo viên

DUY NGÂN

Giáo viên dùng ChatGPT để có giáo án hay

Với công cụ ChatGPT, GS-TS Kiếm đánh giá đây là cuốn siêu bách khoa toàn thư vì có thể trả lời mọi câu hỏi không giới hạn chủng loại với đa ngôn ngữ, từ kiến thức chuyên sâu cho đến vấn đề mang tính triết lý hoặc liên hệ với cuộc sống.

Từ đó, ông Kiếm cho rằng việc học phải chuyển sang hướng sáng tạo, tận dụng ChatGPT để không phải học những điều đã có lời giải sẵn, mà học bằng cách đặt câu hỏi để tư duy, sáng tạo. Điều này đồng nghĩa trường học phải chuyển sang mô hình trường học sáng tạo. Thầy, trò phải học theo tinh thần sáng tạo, quan trọng là học để thảo luận các vấn đề mở và những vấn đề mà ChatGPT chưa trả lời được.

Theo ông Kiếm, giáo viên giờ đây phải biết dùng ChatGPT để có một giáo án hay, cần phải đi trước một bước, cần có những chuẩn bị để hướng dẫn cho học sinh phối hợp sử dụng ChatGPT tạo ra các bài giảng sinh động, bổ ích nhưng phải có kiểm soát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.