(TNO) Chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không AirAsia có thể đã bay quá chậm khi gặp phải thời tiết xấu và điều này khiến máy bay bị nạn, theo nhận định của nhiều chuyên gia hàng không.
Máy bay của hãng hàng không AirAsia - Ảnh: Reuters
|
Kênh truyền hình 9 News (Úc) đưa tin trong lúc Indonesia tái khởi động hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay vào đầu ngày 29.12, nhiều chuyên gia hàng không đã nghĩ đến các yếu tố như thời tiết, vận tốc và hệ thống radar trên máy bay khi đánh giá và phỏng đoán những gì có thể đã xảy ra cho chuyến bay QZ8501.
Geoffrey Thomas, một chuyên gia hàng không và là biên tập viên của trang tin về hàng không Airlineratings.com, đã thảo luận với một số cơ trưởng máy bay và đưa ra nhận định cho rằng chuyến bay QZ8501 đã gặp thời tiết xấu, nhưng phi công đã để máy bay bay quá chậm khi cố tránh thời tiết xấu.
“Nhiều phi công cho rằng phi hành đoàn trong lúc tăng độ cao để cố tránh cơn bão đã bay quá chậm và do đó máy bay bị chết máy trên không, giống với trường hợp chuyến bay AF447 của Air France bị rơi hồi năm 2009”, ông Thomas cho biết.
Chiếc Airbus mang số hiệu AF447 của hãng hàng không Air France đã rơi ở Đại Tây Dương hồi năm 2009 khi đang trên đường đi từ Brazil sang Pháp.
“Tôi có dữ liệu radar cho thấy phi công ở độ cao gần 11.000 m trên không và tăng độ cao ở tốc độ 356 knot, tức chậm hơn tốc độ yêu cầu khoảng 100 knot (tương đương 185 km/giờ)… nếu dữ liệu này được xác nhận, thì phi công đã bay quá chậm ở độ cao đó và điều này cực kỳ nguy hiểm”, chuyên gia hàng không này nói.
Reuters dẫn lời một quan chức giao thông Indonesia cho hay trước khi mất tích, phi công trên máy bay đã đề nghị đổi hướng sang một "lộ trình bay bất thường" trước khi mất liên lạc với mặt đất.
Máy bay đang bay ở độ cao 32.000 feet (9.753,6 m) và đã đề nghị được bay lên mức 38.000 feet (11.582,4) với lý do tránh mây.
“Máy bay có thể đã bị cuốn vào một luồng gió cực lớn thổi lên hoặc thứ gì đó như vậy. Có sự cố nghiêm trọng gì đó đã xảy ra”, ông Thomas phỏng đoán.
“Chiếc máy bay cơ bản đã bay quá chậm khi bay lên độ cao đó và cánh máy bay sẽ không nâng được nó ở vận tốc như vậy, rồi thì bạn sẽ bị chết máy”, chuyên gia này giải thích.
Ngoài ra, ông Thomas còn cho rằng chiếc Airbus A320 của AirAsia đã không được trang bị hệ thống radar hiện đại.
Radar của A320 đôi khi có thể gặp sự cố khi máy bay bay trong bão, theo ông Thomas. Hệ thống radar mới nhất, vốn đã được hãng hàng không Qantas (Úc) sử dụng đầu tiên năm 2002, có thể cung cấp các số liệu chính xác và hoàn chỉnh về một cơn bão, nhưng hệ thống này chỉ được trang bị cho A320 vào năm 2015.
Bình luận (0)