Một người được tiêm vắc xin Covid-19 tại Hồng Kông |
Reuters |
Các cố vấn cho chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19 tại Hồng Kông ngày 9.12 cho rằng việc đổi vị trí tiêm sẽ tạo sự an toàn hơn cho người dân ở mọi độ tuổi khi tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech.
Theo tờ South China Morning Post, khuyến nghị trên được đưa ra sau khi Cục Y tế Hồng Kông báo cáo một trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech được 16 ngày. Nạn nhân là một người phụ nữ 66 tuổi, bị mắc chứng viêm cơ tim.
Nhà chức trách kết luận mối liên hệ giữa trường hợp tử vong và việc tiêm vắc xin là không rõ ràng nhưng cũng nói không tìm thấy diễn biến bất thường nào sau khi tiêm.
Giáo sư Ivan Hung Fan-ngai, đồng chủ tịch Ủy ban chuyên gia đánh giá các tình huống lâm sàng sau tiêm vắc xin Covid-19 của Hồng Kông, không bác bỏ khả năng người phụ nữ đã bị viêm cơ tim.
Chuyên gia Hồng Kông: tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer vào đùi an toàn hơn tiêm vào tay |
Ông nói rằng đề ngăn ngừa nguy cơ này, người dân nên được tiêm vắc xin vào đùi thay vì cánh tay.
“Vị trí cách xa tim hơn và vắc xin phải đi qua các hạch bạch huyết vùng háng. Sẽ có ít kháng nguyên vắc xin có thể tới được tim”, ông Hung nói.
Giáo sư Yuen Kwok-yung, cố vấn chống dịch của chính quyền Hồng Kông, cũng đồng ý với việc tiêm ở đùi và cho rằng đây là lựa chọn an toàn nhất cho mọi lứa tuổi khi tiêm PFizer/BioNTech, đặc biệt là thiếu niên.
Đến nay, Hồng Kông ghi nhận 83 ca viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin, gồm 34 người từ 12-15 tuổi. Đặc khu này cũng ghi nhận 49 ca tử vong sau khi tiêm vắc xin, toàn bộ trong vòng 14 ngày sau khi tiêm. Tuy nhiên, không trường hợp tử vong nào được xác định là liên quan đến vắc xin.
Hồi tháng 9, một ủy ban khoa học thuộc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe, cố vấn chiến lược tiêm chủng cho chính quyền, khuyến cáo nên tiêm vắc xin vào đùi để đề phòng. Ủy ban này dẫn các nghiên cứu cho thấy việc tiêm ở đùi giúp giảm thiếu phản ứng phụ tiềm tàng của vắc xin.
Bình luận (0)