Giãn tĩnh mạch xảy ra khi các van nhỏ bên trong mạch máu không hoạt động bình thường, khiến máu chảy ngược và đọng lại, gây sưng lên, theo tờ Express.
Mặc dù chứng giãn tĩnh mạch thường chỉ là vấn đề thẩm mỹ nhưng có thể gây đau đớn khó chịu. Đặc biệt, nó cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, cực kỳ nguy hiểm.
Bác sĩ Mark Bratby, làm việc tại Anh, cảnh báo những người đứng nhiều giờ mỗi ngày có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch cao nhất.
Ông Mark Bratby giải thích: Chúng tôi thường gặp rất nhiều thợ làm tóc, y tá và giáo viên đến khám vì phải đứng cả ngày làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch, theo Express.
Cách để biết có bị giãn tĩnh mạch hay không
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) mô tả chứng giãn tĩnh mạch là các tĩnh mạch "sưng to" thường ở chân và bàn chân.
Chúng có thể có màu xanh hoặc tím và thường vón cục, phồng lên hoặc xoắn lại.
Trong một số trường hợp, chúng cũng có thể gây:
- Chân đau nhức, nặng nề và khó chịu
- Bàn chân và mắt cá chân bị sưng
- Bỏng rát hoặc đau nhói ở chân
- Chuột rút ở chân, đặc biệt là vào ban đêm
- Da khô, ngứa và mỏng trên tĩnh mạch bị giãn
Khi nào cần đi bác sĩ?
Trong những trường hợp sau, cần phải đi khám: Chứng giãn tĩnh mạch gây đau đớn hoặc khó chịu; Vùng giãn tĩnh mạch bị đau và bị kích thích; Cơn đau nhức ở chân gây khó chịu vào ban đêm và gây khó ngủ.
Làm gì để giảm nguy cơ bị giãn tĩnh mạch?
Với bệnh giãn tĩnh mạch, bác sĩ Bratby cho biết di truyền là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, có một số điều bạn có thể làm để cải thiện tĩnh mạch.
Bác sĩ Bratby khuyên những người có nguy cơ cao bị giãn tĩnh mạch nên ăn uống lành mạnh, không ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, giữ ổn định cân nặng, tập thể dục, thường xuyên nghỉ ngơi, nâng cao chân trong lúc nghỉ, theo Express.
Bình luận (0)