Chuyên gia lý giải tình trạng sức mua giảm mạnh

25/04/2024 15:15 GMT+7

Bộ KH-ĐT đánh giá, người dân thắt chặt chi tiêu khiến sức mua nửa đầu năm giảm. Theo các chuyên gia, người dân có tiền nhưng không dám chi tiêu.

Sáng 25.4, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14, cho ý kiến thẩm tra báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, các tháng đầu năm 2024 dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 khai mạc ngày 20.5 tới.

Chuyên gia lý giải tình trạng sức mua giảm mạnh - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung báo cáo tại phiên họp

NGHĨA ĐỨC

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung, cho biết, từ đầu năm tới nay, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.

"Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu", ông Trung nói và cho biết tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011 - 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 năm 2024 chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT đánh giá, nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay. Trong quý 1/2024, có gần 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bình quân mỗi tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cùng đó, tăng trưởng tín dụng đến ngày 4.4 chỉ tăng 0,95% so với năm 2023.

Vẫn theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm, làm tăng giá vé máy bay nội địa, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của người dân.

"Chính sách cuốn theo cảm xúc quá nhiều"

Nêu ý kiến sau đó, tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cũng đánh giá sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn là một trong những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024.

Ông Lực dẫn chứng, trong quý 1 có 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có 60.000 doanh nghiệp mới. Số rút lui khỏi thị trường đang tăng lên, trung bình mỗi tháng cả nước giảm hơn 4.000 doanh nghiệp.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Bộ KH-ĐT) nêu ý kiến tại phiên họp

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Bộ KH-ĐT) nêu ý kiến tại phiên họp

NGHĨA ĐỨC

Theo ông Lực, có 2 trường hợp khiến doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. "Sau 3 - 4 năm chống chịu dịch bệnh, lạm phát, doanh nghiệp không chịu được nữa, buộc chấp nhận rút lui khỏi thị trường. Thứ hai, một số doanh nghiệp thích ứng không tốt", ông Lực phân tích.

Về tiêu dùng, ông Lực nhìn nhận, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều thận trọng trong chi tiêu. Ông dẫn chứng, lượng khách du lịch tăng trưởng mạnh, song thu từ du lịch tăng trưởng không tương ứng.

Từ đó, ông Lực đề nghị cần phải quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ, nâng hạng thị trường chứng khoán…

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Bộ KH-ĐT), cũng nhìn nhận, người dân "tiền vẫn có nhưng không dám tiêu".

Theo ông Thành, vấn đề ở đằng sau là niềm tin. Để tạo dựng niềm tin, ông cho rằng, các giải pháp như tiến sĩ Cấn Văn Lực nói là cần thiết, song quan trọng nhất là chính quyền, địa phương đã nói thì phải làm cho ra nhẽ, không hứa hẹn, mập mờ.

Cạnh đó, ông Thành nhìn nhận, các chính sách điều hành kinh tế thời gian gần đây bị "cuốn theo cảm xúc quá nhiều". "Phải thấy cái gì cần kiên định. Câu chuyện ổn định kinh tế vĩ mô tới nay chúng ta làm tương đối tốt là nhờ kiên định. Chúng ta bị lôi vào vòng xoáy xúc cảm nên đi từ cực đoan này đến cực đoan khác làm doanh nghiệp không kịp trở tay", ông Thành nói. Từ đó, ông Thành cho rằng, trong các quyết sách cần nhìn nhận vấn đề thật bài bản và có sự phối hợp, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.