Trong bài báo trên chuyên san y khoa The Lancet ngày 13.9, các quan chức thuộc FDA và nhiều nhà khoa học thuộc WHO cho rằng cần có thêm bằng chứng để quyết định tiêm liều vắc xin Covid-19 tăng cường.
Trong bài viết, các nhà khoa học cho rằng việc tiêm liều tăng cường và thời gian tiêm cần được quyết định dựa trên kết quả phân tích cẩn thận dữ liệu dịch tễ hoặc thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát thích hợp, cho thấy việc tiêm giúp giảm bệnh nặng lâu dài, theo Reuters.
Đánh giá lợi ích và rủi ro nên được cân nhắc dựa trên số lượng ca bệnh Covid-19 nặng có thể được ngăn chặn nếu tiêm liều tăng cường, và liệu liều vắc xin này có an toàn và hiệu quả đối với các biến thể hiện tại.
“Bằng chứng hiện nay có vẻ cho thấy không cần tiêm liều tăng cường cho đại bộ phận dân số, khi mà độ hiệu quả trong việc ngăn bệnh nặng trong nhóm này vẫn còn cao”, các nhà khoa học viết.
Tuy nhiên, bài báo thừa nhận rằng một số nhóm như người có hệ miễn dịch suy yếu có thể nên được tiêm liều tăng cường. Việc mở rộng ra cho những nhóm dân số khác có thể cần trong tương lai, khi mức độ miễn dịch giảm dần hoặc nếu các biến thể mới phát triển đến mức có thể kháng lại vắc xin.
Các nhà khoa học cảnh báo việc tiêm liều tăng cường quá sớm hoặc quá thường xuyên có thể gây nguy cơ. “Nguồn cung vắc xin hiện nay có thể cứu sống thêm nhiều mạng người nếu được sử dụng cho nhóm dân số chưa được tiêm trước đây”, các tác giả viết.
Tác giả bài báo có Giám đốc Văn phòng nghiên cứu và đánh giá vắc xin của FDA Marion Gruber và cấp phó Phil Krause, các nhà khoa học hàng đầu của WHO như Soumya Swaminathan, Ana-Maria Henao-Restrepo và Mike Ryan và nhiều nhà khoa học của các nước khác.
Bài viết được công bố trong khi một số nước như Israel đã cho tiêm liều vắc xin Covid-19 tăng cường còn Mỹ đang chuẩn bị triển khai trong tháng này, chỉ còn chờ khuyến cáo của cơ quan y tế.
Bình luận (0)