(Tin Nóng) Thương vụ tàu chở trực thăng lớp Mistral của Pháp đóng cho Nga đã xem như được giải quyết khi Pháp đồng ý hoàn tiền và bồi thường. Một chuyên gia Nga nói với hãng tin TASS rằng các nước có thể quan tâm mua lại tàu Mistral Pháp đóng cho Nga có Ấn Độ, Việt Nam và Brazil.
Tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral tên Vladivostok Pháp đóng cho Nga nhưng không bàn giao - Ảnh: Reuters
|
Theo hãng tin TASS ngày 6.8, ông Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST) tại Moscow nói với tạp chí Trend rằng các nước có tiềm năng mua lại 2 tàu chở trực thăng và đổ bộ lớp Mistral Pháp đóng mà không bàn giao cho Nga có Ấn Độ, Việt Nam và Brazil.
Trước đó, ngày 5.8, Pháp và Nga đạt thoả thuận về thương vụ 2 tàu Mistral, theo đó Pháp hoàn lại tiền đặt cọc cho Nga và bồi thường một khoản kinh phí Nga bỏ ra xây cơ sở vật chất để đón 2 tàu, Nga cử người sang tháo gỡ thiết bị của Nga lắp trên 2 tàu chiến. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nói có một số nước đang quan tâm muốn mua tàu Mistral này, nhưng không nêu tên cụ thể.
Theo ông Pukhov, rất hợp lý để giả định rằng Pháp sẽ bán những tàu nay cho các nước có nhu cầu về loại tàu đổ bộ như vậy, hoặc cố gắng bán với giá rẻ cho các nước có truyền thống mua và sử dụng các thiết bị của Pháp.
Và theo ông Pukhov, khách hàng đầu tiên tiềm năng là Ấn Độ. “Nước đầu tiên tôi biết là Ấn Độ, người Pháp cũng muốn chúng ta giúp họ việc này. Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn mua 1 chiếc và tự đóng 3 chiếc tàu Mistral”.
Thứ đến là Việt Nam, theo ông Pukhov, vì đây là nước đang có nền kinh tế phát triển và cũng quan tâm đến tàu chở trực thăng và đổ bộ.
Nước thứ ba là Brazil. “Brazil có thể mua tàu này với điều kiện người Pháp chào giá tốt”, ông Pukhov nhận xét.
Ông cũng cho rằng hải quân Pháp không cần thêm tàu Mistral vì đã có 3 chiếc, và cũng không đủ tiền mua thêm.
Nga đã đặt Pháp đóng 2 tàu Mistral qua hợp đồng ký năm 2011 trị giá 1,2 tỉ euro (1,3 tỉ USD). Chiếc đầu tiên tên Vladivostok hạ thuỷ tháng 10.2013, chiếc thứ hai là Sevastopol cũng đã hoàn thành và đang chạy thử. Pháp không giao 2 tàu này cho Nga với lý do Nga sáp nhập Crimea và lính líu đến xung đột ở miền đông Ukraine.
Hai tàu lớp Mistral của Pháp đóng cho Nga giờ đang chờ nước khác mua - Ảnh: Reuters
|
Tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral dài 199 m, ngang 32 m, mớn nước 6,3 m, lượng choán nước 21.300 tấn (đầy tải). Tàu trang bị 4 tổ máy diesel Wartsila của Phần Lan, công suất 21 MW giúp con tàu đồ sộ này có thể quay 360 độ. Tàu được thiết kế chở quân và trang thiết bị phục vụ đổ bộ, tấn công.
Tàu có tốc độ tối đa 35 km/giờ, tầm hoạt động hơn 16.000 km liên tục 30 ngày, thuỷ thủ 160 người.
Tàu có thể vận chuyển 450 – 900 lính, 1 bệnh viện 69 giường (2 phòng mổ), chở được 16 trực thăng hạng năng hoặc 32 trực thăng loại nhẹ. Đường băng trên tàu bố trí 6 trực thăng.
Loại tàu đóng cho Nga thiết kế phục vụ các loại trực thăng Ka-52K và Ka-27, cũng như Ka-29, Ka-31 và Ka-226.
Tàu còn chở được 13 xe tăng và 70 xe bọc thép hạng nhẹ. Tàu còn vũ trang thiết bị chiến tranh điện tử, ngư lôi, pháo hạm, phòng không…
Pháp hiện có các tàu lớp này gồm Mistral (hoạt động năm 2006), Tonnerre (2007) và Dixmude (năm 2012).
Anh Sơn
>> Philippines sẽ tự đóng tàu vận tải chiến lược
>> Bên trong tàu đổ bộ tốc độ cao của Nga mới thượng cờ
>> Tàu đổ bộ Nga dự định bán cho VN vẫn chưa có khách hàng
>> Châu Âu thống trị thị trường tàu chiến ở Đông Nam Á
>> Trung Quốc sao chép tàu đổ bộ của Mỹ ?
>> Đông Nam Á gia tăng đầu tư cho hải quân
>> Mỹ mời 23 nước dự hội nghị tác chiến đổ bộ, không mời Trung Quốc
>> Trung Quốc sẽ không mua tàu đổ bộ Mistral của Pháp ?
>> Pháp sẽ bán tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral cho Trung Quốc ?
>> Indonesia bắt đầu đóng tàu đổ bộ cho Philippines
Bình luận (0)