Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa: 'Dòng tiền âm' của EVN không phải lỗ trong kinh doanh

12/10/2023 09:00 GMT+7

Trong khi Dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế giá bán lẻ điện bình quân được đề xuất bù lỗ cho khoản lỗ năm ngoái (hơn 26.000 tỉ đồng) vẫn đang nhận nhiều luồng ý kiến thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục lỗ gần 29.000 tỉ đồng trong 8 tháng của năm 2023.

Có nên bù lỗ vào giá điện? Liệu cơ chế này có khiến ngành điện tiếp tục đẩy các khoản lỗ khác cho người tiêu dùng gánh thay hay không... Thanh Niên đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hiệp hội thẩm định giá Việt Nam - xung quanh vấn đề này.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa: 'Dòng tiền âm' của EVN không phải lỗ trong kinh doanh - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam - ông Nguyễn Tiến Thỏa

Độc Lập

Cơ chế bù lỗ vào giá đang gặp rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng đa số đều cho rằng, trước khi bù lỗ, ngành điện cần phải minh bạch các chi phí đầu vào, quan điểm của ông thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Xây dựng cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân theo hướng giá bán lẻ được tính thêm khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện là điểm mới trong dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân của Bộ Công thương soạn thảo.

Lý do khiến Bộ Công thương phải đưa ra giải pháp trên, theo giải thích của Cục Điều tiết điện lực, là do chi phí mua điện tăng cao, nhưng giá bán lẻ điện được giữ mức giá cũ quá lâu, đến 4 năm, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022 lỗ hơn 26.000 tỉ đồng. Rồi chi phí năm 2023 tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá, trong đó, chủ yếu là chi phí mua điện chiếm hơn 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Thế nên, trong 8 tháng của năm 2023, mặc dù giá điện được điều chỉnh tăng thêm 3% từ đầu tháng 5, EVN vẫn tiếp tục lỗ thêm 28.700 tỉ đồng. Nếu tính thêm khoản lỗ cũ năm ngoái, tổng số tiền lỗ của EVN lũy tiến lên đến 55.000 tỉ đồng. Theo EVN, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện trong năm nay vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi mức tăng giá điện không thể nào bù đắp hết khó khăn về tài chính…

Như vậy, để EVN cân bằng tài chính thì việc đưa ra giải pháp là rất cần thiết. Nhưng tôi đồng ý rằng, cần phải làm rõ khoản lỗ ấy là do doanh nghiệp quản lý không tốt mà gây ra hay do hệ quả của thực tế điều hành giá điện thì mới có giải pháp xử lý phù hợp. Còn nếu Bộ Công thương vẫn đưa ra khoản lỗ trong sản xuất kinh doanh điện một cách chung chung mà không minh bạch bản chất của nó gồm những khoản gì thì rất khó thuyết phục. Muốn hạch toán vào giá điện để thu hồi lại khoản lỗ cho EVN, đặc biệt khoản lỗ ấy liên quan chi phí sản xuất kinh doanh lại không lý giải rõ ràng, rất dễ bị hiểu lầm. Từ đó, khó tạo sự chia sẻ, đồng thuận của người dùng điện. Chưa kể nói chung chung, khiến đề xuất đưa ra trái với quy định của luật Giá năm 2012, luật Điện lực và luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp.

Thực tế, việc hạch toán chi phí vào giá thành được doanh nghiệp áp dụng với tất cả các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Chi phí tăng thì giá bán tăng và ngược lại... Nhưng với điện, cứ nói đến tăng giá, bù lỗ vào giá là bị phản đối, ông lý giải thế nào về việc này?

Đúng là hiện nay bất kỳ loại hàng hóa dịch vụ nào vận hành theo cơ chế thị trường, giá do thị trường quyết định thì các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa đó phải chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Nhưng điện thì lại khác. Giá điện do Nhà nước quyết định. Giá điện vừa qua được vận hành theo quyết sách phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tác động ở mức thấp nhất đến sản xuất, đời sống nên phải xử lý theo hướng "đầu vào cho sản xuất hình thành giá điện thì theo thị trường nhưng đầu ra thì phi thị trường". Vì thế nó đã không được tuân thủ đúng nguyên tắc định giá của Nhà nước được quy định tại Điều 20 luật Giá năm 2012 là giá phải "bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường…" và phải "kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi". Đây là nguyên nhân sinh ra thâm hụt dòng tiền trong sản xuất kinh doanh của EVN.

Vì thế, nội dung mà Bộ Công thương gọi "dòng tiền âm" là khoản lỗ trong sản xuất kinh doanh thực tế không chính xác về bản chất của vấn đề. Bởi EVN có làm ăn thua lỗ đâu mà bảo bù lỗ? Bản chất của nó chính là khoản chênh lệch giữa các chi phí đầu vào đã tính đúng tính đủ, được phép tính vào giá theo quy định của pháp luật. Và mức giá đó do Nhà nước quyết định, hoặc cho phép EVN quyết định. Nếu để thấp hơn, phải có cơ chế xử lý cho doanh nghiệp, không để thâm hụt dòng tiền.

Năm 2022, giá thành sản xuất kinh doanh điện được kiểm toán tăng 9,27% nhưng chỉ được điều chỉnh giá tăng 3% đã chứng minh điều đó. Như vậy, việc quyết định điều chỉnh giá thấp hơn chi phí bỏ ra có chủ định của Nhà nước sẽ gây ra dòng tiền âm là không tránh khỏi và EVN không bảo toàn được vốn nhà nước trong doanh nghiệp là đương nhiên. Nên việc khắc phục và bù đắp lại dòng tiền âm này là có cơ sở. Tất nhiên, thực hiện thế nào cần tính toán thêm. Chứ nếu tăng theo đúng luật Giá là bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh cho ngành thì mức tăng sẽ cao rất nhiều.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa: 'Dòng tiền âm' của EVN không phải lỗ trong kinh doanh - Ảnh 2.

Theo chuyên gia, cần có mục chi phí chờ phân bổ để khắc phục khoản lỗ của ngành điện

Nhật Thịnh

Nghĩa là khoản "dòng tiền âm" Nhà nước phải gánh, nếu muốn điều tiết giá điện để bảo đảm vĩ mô, hoặc để EVN đưa vào giá để bảo đảm cân đối tài chính, thưa ông?

Đúng thế, bản chất dòng tiền âm của EVN không phải là lỗ trong sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện làm ăn yếu kém gây ra, mà là do Nhà nước chủ động điều tiết giá phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế, Nhà nước phải có cơ chế xử lý cho doanh nghiệp, không để thâm hụt dòng tiền.

Khoản chi phí thâm hụt trên không thuộc "chi phí khác" chưa được tính vào giá như lập luận của Bộ Công thương. Bởi đây là chi phí đã được tính đúng tính đủ trong phương án giá của kỳ định giá, điều chỉnh giá. Thế nhưng khi quyết định mức giá cụ thể, cơ quan nhà nước lại không cho phép quyết định 100% chi phí tính đúng tính đủ nói trên vào giá điện mà còn "treo lại".

Do đó, khoản này cần được phân bổ dần vào các kỳ điều chỉnh giá tiếp theo, giống như với trường hợp Thủ tướng Chính phủ đã quy định tại Quyết định 24/2017 phần chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ được đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm tính giá nhằm tránh "sốc" cho giá cả hàng hóa, kiềm chế lạm phát.

Vậy dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh lại công thức tính giá?

Với lập luận trên, để hoàn thiện công thức tính giá trong Quyết định 24, đề nghị bổ sung thêm một khoản mới, đó là "chi phí chờ phân bổ". Đó là một giải pháp để giảm dần khoản lỗ của EVN, trong khi vẫn đảm bảo đúng luật Giá.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa: 'Dòng tiền âm' của EVN không phải lỗ trong kinh doanh - Ảnh 3.

Nhật Thịnh

Quy định tại Quyết định 24 là 6 tháng điều chỉnh giá điện một lần nhằm bảo đảm yếu tố "tính đúng, tính đủ", nay dự thảo quyết định đưa ra thời gian 3 tháng điều chỉnh 1 lần. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Thời gian không phải là yếu tố quyết định giá tăng hay giá giảm mà giá thế nào phải được quyết định bởi yếu tố đầu vào tăng hay giảm. Thế nên, quy định 6 tháng xem xét điều chỉnh một lần đã không thực hiện được, nay bảo 3 tháng, chỉ là cách nói. Hình thức mà thôi.

Theo tôi, nếu chúng ta thực hiện đúng quy định tại của luật Giá là "kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi" và khi chúng ta có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì giá điện mới có thể lên xuống linh hoạt theo tín hiệu thị trường được. Giá điện hiện nay không thiếu cơ chế quản lý, chỉ làm đúng các quy định, ngành điện không đến nỗi phải chật vật lỗ chồng lỗ bế tắc vậy. Đó là chưa nói để ngành thuộc an ninh năng lượng lại không ổn định được dòng tiền, việc tái đầu tư mới, đầu tư sửa chữa có thể bị cắt giảm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội về lâu dài.

Một thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì nguồn cung phải dồi dào. Trong thực tế, nguồn vẫn còn thiếu hụt cục bộ, như đã xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên tại miền Bắc trong mùa hè vừa qua. Để có thị trường điện cạnh tranh, bài toán nguồn nên được giải quyết thế nào, thưa ông?

Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tức là trên thị trường có nhiều người bán. Nhà cung cấp nào có nguồn điện ổn định, dịch vụ tốt, giá tốt thì tôi mua. Lúc đó, chúng ta cũng không cần giá điện sinh hoạt phải tính theo 5 bậc hay 6 bậc như hiện nay. Có thị trường cạnh tranh cả trong và mua bán điện, chắc chắn thị trường sẽ tốt hơn. Chúng ta đặt ra tham vọng năm 2024 phải có thị trường điện, nay không thể kịp, hy vọng từng bước 1 để sang năm 2025 có thị trường. Trong lúc đó, nên cho thí điểm mua bán điện giữa các khách hàng lớn, có đấu nối điện áp 110 kV trở lên, mua bán trực tiếp với nhà sản xuất…

Ngoài ra, muốn xây dựng thị trường điện cạnh tranh thì luật Điện lực phải được sửa đổi, phải làm rõ cơ chế hình thành thị trường điện, cạnh tranh từ khâu phát điện đến bán lẻ. Hiện các quy định vẫn còn chung chung.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa: 'Dòng tiền âm' của EVN không phải lỗ trong kinh doanh - Ảnh 4.

Đào Ngọc Thạch

Nhiều người hay nói ngành điện độc quyền nên thích gì làm đó, thích tăng thì tăng, người mua không có sự lựa chọn nào… Song thực tế có đúng vậy không? Tôi khẳng định là không. Độc quyền trong ngành điện là độc quyền nhà nước, không phải độc quyền doanh nghiệp. Bởi nếu gọi là độc quyền, phải có độc quyền về giá, doanh nghiệp có thể thao túng giá… Trong khi chi phí đầu vào tăng, bao năm qua, EVN có dám tăng giá đâu, nếu họ được trao quyền độc quyền thực sự, họ đã tăng giá lâu rồi, không để lỗ lã kéo dài như vậy.

Hiện công suất đặt của EVN và các đơn vị phát điện thuộc EVN hiện chỉ còn 29.901 MW, chiếm tỷ trọng 38,4% công suất toàn hệ thống, còn lại phải mua từ các nhà máy khác nên có khó khăn trong việc cung ứng điện. Nhất là khi giá nhiên liệu đầu vào như than tăng cao như thời gian qua. Trong khi giá bán không điều chỉnh kịp thời nên EVN thua lỗ. Ngành nào cũng thế, mua cao bán thấp là lỗ. EVN phải mua đầu vào để sản xuất, đầu vào theo thị trường, dầu, than, khí... nhưng đầu ra thì ổn định, không được tăng. Đương nhiên khi đó chi phí sản xuất cao hơn giá bán ra. Thế nên, muốn có thị trường điện, phải gấp rút sửa luật.

Đánh giá việc Bộ Công thương đưa khoản lỗ của EVN vào giá điện, Bộ Tài chính cũng cho rằng, trên thực tế việc lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện là do doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện không đủ bù đắp cho các chi phí phát sinh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh điện (chính là việc giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện).

Hơn nữa, qua rà soát luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn… đều không có quy định nội dung về phương án phân bổ các khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện, cũng như thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với nội dung này.


Góp ý cho dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24, EVN đề nghị sửa đổi, bổ sung vào công thức tính giá điện bình quân tại dự thảo này khoản chênh lệch chi phí sản xuất điện (của các khâu phát điện, khâu truyền tải điện, khâu phân phối - bán lẻ điện, khâu điều hành - quản lý ngành, các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí khác) giữa phương án giá điện và thực tế của các năm trước.

Đặc biệt, EVN mong muốn dự thảo sửa đổi theo hướng giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh hằng năm và trong năm để đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện. Điều này nhằm tránh trường hợp dồn tích các khoản chi phí dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.