Kỳ vọng vào bất động sản công nghiệp
GS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế thế giới. Đồng thời, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraina tiếp tục gây tác động xấu thêm một lần nữa lên nền kinh tế thế giới. Giống như nhiều nước, nền kinh tế Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn này.
GS Đinh Trọng Thịnh |
ctv |
Đáng chú ý, thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm nguồn cung mới từ cuối 2018, năm 2019 thì ít hẳn. Năm 2020, 2021 và đầu năm 2022, dòng tiền từ các gói hỗ trợ dịch Covid-19 "chảy" vào thị trường bất động sản khiến giá tăng nhanh.
Nhưng đến nay, Nhà nước đang siết vốn tín dụng bất động sản. Đồng thời, thắt chặt kênh huy động vốn khác là trái phiếu, trong đó có trái phiếu bất động sản, nên nguồn vốn cho thị trường này đang rất khó khăn.
Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, thị trường bất động sản còn tiếp tục đối mặt với khó khăn về pháp lý do sự chồng chéo của quy định tại các luật Đất đai, luật Đầu tư, luật Kinh doanh bất động sản, luật Nhà ở…
Chưa kể, không ít vướng mắc từ các thủ tục hành chính khiến thời gian chuẩn bị đầu tư dự án bị kéo dài, tăng chi phí vốn…
“Rất khó để đánh giá lạc quan mạnh về thị trường bất động sản năm 2023. Tuy nhiên, trong bức tranh u ám của thị trường bất động sản thời gian tới thì vẫn có những điểm sáng nhất định”, GS Thịnh nói.
Doanh nghiệp kỳ vọng nhiều vào Tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản |
lê quân |
Theo GS Thịnh, Nhà nước đang rất nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho thị trường bất động sản bằng động thái triển khai sửa đổi, bổ sung quy định của nhiều bộ luật nên về lâu dài vấn đề pháp lý sẽ được giải quyết.
Bên cạnh đó, việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để rà soát, tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án bất động sản sẽ góp phần tích cực vào việc cấu trúc lại dự án, thị trường trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi về loại hình bất động sản có khả năng phục hồi tốt nhất trong năm 2023, GS Thịnh bày tỏ kỳ vọng vào bất động sản công nghiệp. Cụ thể, cả nước đang có gần 300 khu công nghiệp hoạt động. Trong đó, có khoảng gần 100 dự án có tỷ lệ lấp đầy hoàn toàn; các dự án còn lại tỷ lệ lấp đầy trung bình 80%. Trong khi đó, giá thuê lại đang có chiều hướng gia tăng theo đà phục hồi kinh tế, nhất là ở các tỉnh phía nam.
Bên cạnh đó, theo GS Thịnh, hoạt động mua bán, sáp nhập các dự án trong năm 2023 vẫn sẽ diễn ra mạnh mẽ tiếp theo đà của năm 2022. Việc mua bán, sáp nhập được đẩy mạnh giúp quá trình tái cấu trúc thị trường sẽ diễn ra nhanh, mạnh hơn. Các loại hình bất động sản văn phòng, khu công nghiệp, nhà ở, khách sạn… tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ tiếp tục nhộn nhịp mua bán, sáp nhập.
Nhà ở xã hội sẽ được hỗ trợ mạnh
GS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH kinh tế Quốc dân, cho rằng với tình hình thị trường hiện tại, cùng với các chính sách điều chỉnh vĩ mô của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhà ở xã hội sẽ được hỗ trợ phát triển sớm hơn các loại bất động sản khác |
lê quân |
Tuy nhiên, năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới có những chuyển biến sau đại dịch, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi, dù còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự đoán có nhiều khả năng sẽ hồi phục. Thị trường bất động sản tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… Đây sẽ là trọng tâm chính trong các cơ chế chính sách nhằm phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Tiềm năng thị trường bất động sản vẫn còn lớn, đặc biệt là nhu cầu thực về nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Nhu cầu đầu tư với các bất động sản có đủ điều kiện pháp lý vẫn lớn trong khi các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng nhiều khả năng sau tết Quý Mão sẽ có một số chính sách điều chỉnh hỗ trợ tích cực. Nhận được sự “tiếp ô xy” này, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên, giữ ổn định.
TS Nguyễn Văn Đính |
ngọc thắng |
Ông Đính chia sẻ, theo quan sát động thái của một số nước thực hiện "siết" vốn thị trường bất động sản trước Việt Nam thời gian vừa qua, hiện đã có nhiều tín hiệu tích cực hỗ trợ. Nước ta cũng vậy, không thể "siết" mãi vì thị trường bất động sản bị kiềm chế phát triển sẽ gây tác động không tốt cho nền kinh tế. Nhà nước chỉ đang tái cấu trúc lại thị trường để phát triển bền vững hơn.
Ông Đính cho rằng, doanh nghiệp cũng cần chủ động cơ cấu lại sản phẩm, chiến lược phát triển, dòng vốn… để thích ứng với tình hình mới, nhu cầu của thị trường, nhất là hướng đến phân khúc bình dân, nhà ở xã hội.
Hiện, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân ở các khu công nghiệp. Đồng thời, việc phát triển nhà ở xã hội giúp cân bằng lại thị trường đang bị lệch pha cung cầu là thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân.
Do vậy, trong bối cảnh thị trường khó khăn, Nhà nước có chính sách nắn dòng tiền vào phát triển nhà ở xã hội thì doanh nghiệp cũng nên có tầm nhìn, động thái chủ động hứng đón chính sách sớm.
Bình luận (0)