Chuyên gia nói gì về kiệt sức nghề nghiệp và cách giải quyết?

13/01/2020 09:28 GMT+7

Công việc rất quan trọng trong cuộc sống và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe chúng ta. Nhưng rất nhiều người đang căng thẳng , thậm chí, kiệt sức nghề nghiệp mà không biết làm cách nào thoát ra.

Dưới đây có thể là những giải pháp hiệu quả, theo BI.
Kiệt sức nghề nghiệp (burnout) là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng kể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kiệt sức nghề nghiệp là một hội chứng liên quan đến căng thẳng (stress) mạn tính tại nơi làm việc không được kiểm soát, gây ra một loạt các triệu chứng.
Những người này trải qua cảm giác cạn kiệt năng lượng hoặc kiệt sức, tăng cảm giác tiêu cực hoặc hoài nghi liên quan đến vai trò của họ và giảm hiệu quả chuyên môn.
Kiệt sức nghề nghiệp gây hại cho cả doanh nghiệp và sức khỏe của mỗi người lao động. Nó bị đổ lỗi gây ra một nửa số nhân viên thôi việc và tiêu tốn phí chăm sóc sức khỏe từ 125 đến 190 tỉ USD/năm chỉ riêng tại Mỹ, theo BI.
Dưới đây là một số mẹo để giải quyết kiệt sức nghề nghiệp, giảm căng thẳng trong công việc và khôi phục năng lượng được bác sĩ tâm thần Carlene MacMillan đến từ Mỹ chia sẻ trên BI.

1. Đừng quản lý vi mô

Mặc dù quản lý vi mô có thể cần thiết cho các tình huống ngắn hạn nhưng nếu kéo dài lại gây bất lợi. Nó làm tăng nguy cơ kiệt sức nghề nghiệp ở cả nhân viên và người quản lý. Cả hai bên nhiều khả năng làm việc quá nhiều giờ, vật vã khi chuyển từ chế độ làm việc sang chế độ ở nhà và trải qua mức độ căng thẳng và lo lắng cao, theo BI.
Bác sĩ Carlene MacMillan khuyên để tránh quản lý vi mô cần:
- Phát triển tầm nhìn cho nhóm làm việc của bạn.
- Thuê những người có kỹ năng phù hợp với công việc và tin tưởng họ.
- Phát triển đường dây liên lạc vững chắc giữa các nhà quản lý và các thành viên trong nhóm.
- Không sợ sai lầm và xem chúng như kinh nghiệm học tập.
- Tạo không gian cho thành viên trong nhóm tự định hướng, thường thúc đẩy năng suất cao hơn và người quản lý sẽ thu được tỉ lệ nghỉ việc thấp hơn.

2. Tìm kiếm hỗ trợ bên ngoài nơi làm việc

Các nhóm hỗ trợ đồng đẳng đã được chứng minh là có tác động tích cực đến báo cáo sức khỏe, kiệt sức nghề nghiệp và những thay đổi điều kiện làm việc.
Theo BI, hơn một nửa các giám đốc điều hành, CEO và doanh nhân cho biết họ không nhận bất kỳ lời khuyên huấn luyện và lãnh đạo nào. Các nhà lãnh đạo mạnh nhất thường dựa vào chính bản thân.
Họ gặp khó khăn khi tìm kiếm tư vấn vì lượng đồng nghiệp cùng chỗ làm hạn chế và họ cũng sợ hậu quả không lường trước được khi chia sẻ thách thức. Hỗ trợ đồng đẳng ngoài chỗ làm có thể lấp đầy khoảng trống này. Hãy chăm kết nối mạng lưới cùng nghề, cùng vị trí… để được giúp đỡ.

3. Chăm sóc bản thân và tập trung vào sức khỏe

Khi căng thẳng mạn tính liên quan đến công việc dẫn đến kiệt sức nghề nghiệp, tập trung vào sức khỏe và hạnh phúc của bạn là chìa khóa chính để xoay chuyển mọi thứ. Điều này áp dụng ở cả cấp độ cá nhân và tổ chức, theo BI.
Ưu tiên nghỉ ngơi, phát triển thói quen ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và thực hành các kỹ thuật thư giãn và chánh niệm là một vài cách để giảm căng thẳng và phục hồi năng lượng, bác sĩ Carlene MacMillan chia sẻ.

4. Tiếp tục học thêm điều mới mẻ

Học những điều mới ngoài công việc thúc đẩy bộ não của bạn tạo ra những kết nối mới. Tư duy sáng tạo tốt hơn là kết quả của việc học ngoại ngữ, nấu ăn hoặc học chơi một nhạc cụ…
Khi học những thứ hay ho khác, bộ não sẽ được trang bị tốt hơn để điều hướng các rào cản phát sinh trong công việc. Suy nghĩ sáng tạo và tìm giải pháp sáng tạo sẽ giúp bạn tránh được cảm giác đơn điệu, điều cuối cùng dẫn đến kiệt sức nghề nghiệp, theo BI.

5. Nuôi dưỡng niềm đam mê

Học cách nhận biết và trau dồi niềm đam mê góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần, dẫn đến thành công lâu dài của bạn.
Một nghiên cứu gần đây về kiệt sức nghề nghiệp và kiệt sức cảm xúc đã kết luận rằng đam mê hài hòa - tiếp thu chủ động dẫn đến các cá nhân chọn tham gia vào hoạt động mà họ thật sự thích - giúp bảo vệ, chống lại kiệt sức nghề nghiệp.
Những người có niềm đam mê hài hòa làm việc khoan khoái và sẵn sàng giải quyết các vấn đề mới. Để duy trì động lực, bạn phải theo đuổi những ý tưởng mà bạn thực sự đam mê, theo BI.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.