Chuyên gia nói gì về TikToker review quán ăn

16/08/2022 20:21 GMT+7

Các chuyên gia về nhà hàng, ẩm thực cho rằng TikToker review quán ăn chỉ nên là người giới thiệu, không nên lấy việc khen chê làm tiêu chí dẫn dắt người xem.

TikToker khen, chê là vô chừng

Bếp trưởng Vũ Nhất Thông, Giám đốc Trung tâm Eric Vũ Cooking Class, cho rằng các TikToker review (đánh giá, nhận xét) quán ăn chưa thật sự công tâm vì thường dựa vào cảm nhận cá nhân của họ. Theo ông Thông, đa phần những kênh review hiện nay tồn tại được là nhờ những hợp đồng truyền thông, chưa kể “truyền thông bẩn” xuất phát từ đối thủ, sự yêu ghét của TikToker đối với các quán hay món ăn.

Hiện nay, các TikToker review quán ăn xuất hiện càng nhiều

chụp màn hình

Theo anh Thông, khó có thể xác định đúng hay sai trong xu hướng TikToker review quán ăn hiện nay. "Điều tốt đẹp nhất mà TikToker có thể làm là chia sẻ, giới thiệu những quán, món ăn ngon cho nhiều người cùng tận hưởng. Nếu quán bán không ngon thì cũng đừng đăng tải chê một cách đại chúng vì làm như vậy sẽ vô tình “giết chết” cuộc sống của nhiều lao động. Do đó, TikToker chỉ nên góp ý một cách nhẹ nhàng với chủ quán", bếp trưởng Thông nói.

Còn xét về góc độ chuyên môn, theo ông Thông, trong ẩm thực, không có độ ngon hay dở, chỉ phù hợp hay không phù hợp. Điều này đồng nghĩa, một món ăn ngon có nhiều yếu tố đánh giá như: trang trí đẹp, hương vị hấp dẫn, phù hợp không gian, thời gian, tâm lý, cảm xúc, ký ức của người ăn.

Chẳng hạn, một món ăn đồng quê được đưa vào bar thì không phù hợp và ngược lại. Món ăn sẽ từ ngon thành không ngon phụ thuộc vào tâm trạng của thực khách, đầu bếp Thông lưu ý.

Tuy vậy, ông Thông cho hay: "Việc khen chê một món ăn cần người có chuyên môn, được đào tạo bài bản. Các đầu bếp chuyên nghiệp sẽ biết được thực phẩm trôi nổi, không đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, quy trình chế biến ra sao và các reviewer (người đánh giá) sẽ khó cảm nhận được điều đó".

Một số quán ăn dán ảnh "không tiếp" hai TikToker này

Đồng quan điểm trên, cô Vòng Chánh Kiếu, Giám đốc chương trình quản trị nhà hàng - khách sạn Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ: "Việc ăn uống tùy thuộc vào khẩu vị của từng người nên đánh giá ẩm thực là điều vô chừng. Nếu thu hẹp phạm vi đánh giá chỉ phục vụ một nhóm nhỏ thì sẽ không có tác động gì nhiều. Tuy nhiên, các reviewer đánh giá, đăng tải hình ảnh, video trong phạm vi đại chúng sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều người".

“Review” đơn phương là không cân bằng

Theo bếp trưởng Thông, những đội ngũ làm nghề review chuyên nghiệp trên thế giới có chuyên môn, thường đến quán ăn, nhà hàng mà không báo trước để đánh giá, tính điểm và xếp hạng. "Tuy nhiên, những chuyên gia này cũng phải xin phép các nhà hàng trước khi công bố thông tin đánh giá nếu nhà hàng đồng ý", ông Thông nói.

Cô Kiếu thông tin thêm, các nước trên thế giới thành lập hội đồng đánh giá, lựa chọn chuyên gia, thành lập tiêu chí, quan trọng nhất là nhà hàng phải biết về hoạt động đánh giá đó. “Đa phần TikToker hiện nay tự đến, tự nói và tự đăng tải lên mạng. Đôi khi chủ quán không biết về chuyện đó. Đây là yếu tố thiếu cân bằng giữa các bên vì một cá nhân không thể có tiếng nói đại diện cho tập thể. Đôi khi chỉ trong một khoảnh khắc nhất định, quán ăn, nhà hàng phục vụ không tốt thì ngay lập tức bị nhận xét xấu, như vậy là không công bằng”, cô Kiếu chia sẻ.

Theo cô Kiếu, hiện tại Việt Nam chưa có một bộ tiêu chuẩn đánh giá món ăn, quán ăn, nhà hàng. Do đó, các chuyên gia ẩm thực, nhà hàng chưa bao giờ dám đứng ra nhận xét và đánh giá công khai tràn lan như các TikToker.

Từ đó, cô Kiếu đặt câu hỏi các TikToker review quán ăn dựa vào yếu tố, tiêu chuẩn nào để nhận xét các hàng quán hay tất cả chỉ dựa vào cảm tính hoặc khía cạnh cần thiết nào đó để dẫn dắt người xem, hút “view” để được đạt mục đích.

Các kênh review quán ăn luôn có lượt theo dõi lớn

Về góc độ các quán ăn, nhà hàng, bếp trưởng Thông cho rằng thực khách một khi đã cảm thấy quán ăn không ngon sẽ không quay lại lần nữa, từ đó, chủ quán biết sẽ phải làm gì tiếp theo. "Do đó, các kênh review cũng không cần thiết phải đến chê thậm tệ để “giết chết” quán. Các chủ quán cũng nên lắng nghe sự góp ý của thực khách, tiếp thu đúng với định hướng của quán theo hướng tích cực. Không thể nghe theo một vài ý kiến trôi nổi trên mạng của TikToker mà thay đổi mọi thứ", ông Thông lưu ý.

Còn cô Kiếu nói: “Nếu các quán kinh doanh tốt thì tự nhiên sẽ thu hút nhiều thực khách. Nếu có thêm TikToker giới thiệu về quán thì sẽ phát huy được nhiều hơn. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi của quán ăn vẫn phải là món ngon, phục vụ tốt… Các bạn reviewer nên cân nhắc vì lời nói trên mạng luôn là bằng chứng, nếu gây hại đến người khác có thể bị kiện. TikToker chỉ nên là người giới thiệu, cung cấp những thông tin đúng và đủ”, cô Kiếu nói.

Để nhận thức đúng, tránh bị dẫn dắt từ các TikToker, đầu bếp Thông đã chỉ ra, bạn trẻ nên ăn ở những quán chuyên biệt. Cụ thể, ăn phở thì đến quán phở, ăn hải sản đến quán bán hải sản, hạn chế ăn ở các quán bán đa món. Ngoài ra, thực khách cần xem đánh giá quán trên các công cụ như ứng dụng đặt thức ăn, Google xem đánh giá thật từ người dùng, chứ đừng nhìn vào một TikToker nào.

Còn cô Kiếu chia sẻ, bạn trẻ nên có cái nhìn đa chiều, xem nhiều kênh review khác nhau, bài viết trên báo, website ẩm thực, bình luận trên chính trang của quán ăn đó. “Thậm chí, chúng ta có thể xem các TikToker review quán ăn thể hiện thái độ bằng cách gửi bình luận, xem họ xây dựng hay tạo điểm nhấn, tạo thị phi hay gây hấn với người khác bằng cách trả lời bình luận”, cô Kiếu kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.