Cũng như thuốc, chất bổ sung có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hoạt động, từ đó có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người, theo một bài báo đăng trên tạp chí về thuốc của Mỹ U.S. Pharmacist vào tháng 5.2022.
Những ai thực sự cần dùng chất bổ sung?
Tiến sĩ Rohit Moghe, dược sĩ của Trung tâm y tế Trinity Health Mid-Atlantic ở Philadelphia, thành viên của Trường Y American College of Lifestyle Medicine (Mỹ), cho biết: Nói chung, chất bổ sung là thứ mà bạn không hấp thụ đủ qua thực phẩm. Chỉ những người không thể đáp ứng nhu cầu chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống mới thực sự cần dùng các chất bổ sung. Đặc biệt là những người đối mặt với nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng cao hơn, bao gồm:
Những người dễ thiếu hụt chất dinh dưỡng: Trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai và cho con bú
Những người khó hấp thụ chất dinh dưỡng: Người lớn tuổi, người béo phì và người mắc bệnh mạn tính
Những người theo một chế độ ăn kiêng hạn chế: Người ăn chay trường, theo một bài báo được xuất bản trên tạp chí về dinh dưỡng của Mỹ Nutrients.
Chất bổ sung có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hoạt động, từ đó có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người |
Shutterstock |
Rủi ro khi dùng chất bổ sung là gì?
Chất bổ sung không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt trước khi được bán hoặc tiếp thị.
Trong khi đó, không có gì chắc chắn rằng các chất bổ sung an toàn hoặc hiệu quả đối với người dùng.
Ngay cả khi một chất bổ sung được coi là an toàn, nó có thể không an toàn cho bạn.
Tiến sĩ Ravi Tripathi, bác sĩ, giám đốc y tế tại Trung tâm Y tế Wexner Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho biết hầu hết các vitamin và khoáng chất đều có nguy cơ gây hại với liều lượng sử dụng, và rủi ro này tùy thuộc vào dinh dưỡng và bệnh lý của từng người.
Khi nói đến chất bổ sung và rủi ro, không có liều lượng phù hợp chung cho tất cả mọi người, tiến sĩ Ravi Tripathi nói, theo Everyday Health.
Ví dụ, đối với người mắc bệnh thừa sắt hemochromatosis, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) lưu ý họ phải cẩn thận với việc bổ sung sắt, vì bệnh này khiến lượng sắt độc hại tích tụ trong cơ thể.
Và trong khi hầu hết mọi người thiếu kali, theo NIH, những người bị bệnh thận mạn tính có thể phát triển chứng tăng kali máu, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho tim nếu không được điều trị, theo Hiệp hội Thận Quốc gia Mỹ.
Các chất bổ sung có thể gây rủi ro ngay cả ở những người khỏe mạnh. Theo NIH, dùng với liều lượng cao hoặc sử dụng nhiều chất bổ sung khác nhau có thể gây tác dụng phụ.
Các triệu chứng do lạm dụng chất bổ sung
Các triệu chứng khác nhau tùy vào loại chất bổ sung và liều lượng dùng.
Tuy nhiên, theo bài báo của được đăng trên U.S. Pharmacist vào tháng 5.2022, các triệu chứng chung cần chú ý có thể bao gồm đau đầu, chóng mặt, mệt lả, buồn nôn, run tay chân, táo bón hoặc tiêu chảy, không đủ sức tập thể dục hoặc làm việc thường ngày.
5 chất bổ sung phổ biến mà mọi người có xu hướng lạm dụng
1. Vitamin D
NIH lưu ý rằng hầu hết mọi người không tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời. Uống bổ sung vitamin D có thể hữu ích, nhưng cần phải theo dõi liều lượng đảm bảo không quá 100 microgam (mcg) mỗi ngày. Theo NIH, tốt nhất nên tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc ăn thực phẩm giàu vitamin D.
Theo NIH, hàm lượng vitamin D rất cao có thể gây buồn nôn, nôn mửa, yếu cơ, đau, chán ăn, mất nước và sỏi thận.
Điều đáng ngạc nhiên là rất dễ lạm dụng canxi, đặc biệt nếu bạn đã nhận được canxi từ thức ăn |
Shutterstock |
2. Sắt
Chất bổ sung sắt thường được khuyến khích cho phụ nữ trẻ để bù đắp lượng sắt bị mất trong thời kỳ kinh nguyệt. Các lứa tuổi khác hầu như không cần.
Bổ sung quá nhiều sắt có thể gây táo bón, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, hoặc viêm và loét niêm mạc dạ dày, theo NIH.
Mặc dù rất hiếm, nhưng liều lượng sắt cực cao - hàng trăm đến hàng nghìn miligam, có thể gây suy nội tạng, hôn mê, co giật và tử vong.
3. Vitamin A
Hầu hết mọi người đều dễ dàng nhận được nhiều vitamin A. Nếu ăn ngũ cốc, cà rốt hoặc khoai lang, rồi dùng Vitamin A bổ sung trong ngày, bạn có thể sử dụng quá liều khuyến nghị, Phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ) cho biết.
Theo NIH, hàm lượng vitamin A cao có thể gây đau đầu dữ dội, mờ mắt, buồn nôn, chóng mặt, đau cơ và các vấn đề về phối hợp.
4. Vitamin C
Hầu hết mọi người có thể nhận đủ vitamin C thông qua thực phẩm. Chỉ cần 1 chén dâu tây, ớt đỏ cắt nhỏ hoặc bông cải xanh là đã cung cấp đủ lượng vitamin C cần thiết hằng ngày, theo Phòng khám Mayo Clinic (Mỹ).
Theo Mayo Clinic, bổ sung quá nhiều vitamin C có thể gây tiêu chảy, buồn nôn và co thắt dạ dày.
Nghiên cứu còn cho thấy nam giới bổ sung vitamin C có nguy cơ phát triển sỏi thận cao hơn.
5. Canxi
Điều đáng ngạc nhiên là rất dễ lạm dụng canxi, đặc biệt nếu bạn đã nhận được canxi từ thức ăn, theo Cleveland Clinic.
Thừa canxi dẫn đến táo bón, sỏi thận, suy thận, các vấn đề về tim và các vấn đề về nhận thức.
Các chuyên gia khuyên bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng chất bổ sung, theo Everyday Health.
Bình luận (0)