“Đối với họ, đó là phương tiện để mở rộng sức mạnh”, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Luật pháp và Các Vấn đề biển (Đại học Philippines), nhận định tại một diễn đàn trực tuyến hôm 21.10, theo tờ Philippine Daily Inquirer.
Theo ông Batongbacal, Trung Quốc công khai thừa nhận việc phát triển công nghệ biển và việc thực hiện nghiên cứu khoa học biển (MSR) là “phương tiện bảo vệ chủ quyền và tạo ra bầu không khí quyền lực biển”.
Ông Batongbacal cho rằng đó là điều đáng quan ngại đối với Philippines trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học biển ở biển Tây Philippines, vùng biển Manila tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông.
Chính phủ Philippines lâu nay thường lên tiếng phản đối tình trạng Trung Quốc điều tàu chiến và lực lượng dân quân biển ở biển Tây Philippines, nhưng ít khi công khai phản đối tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động ở khu vực, theo Philippine Daily Inquirer.
Hồi tháng 8, Tư lệnh hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo kêu gọi gửi công hàm phản đối về sự hiện diện của hai tàu khảo sát Trung Quốc gần bãi Cỏ Rong ở Biển Đông, nhưng không được chính quyền Manila ủng hộ.
Ít nhất 15 tàu khảo sát Trung Quốc bị phát hiện lảng vảng ở những khu vực được gọi là vùng biển Philippines trong năm 2019, theo Philippine Daily Inquirer dẫn một báo cáo từ Bộ Quốc phòng Philippines.
Hồi năm 2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cấm tất cả hoạt động nghiên cứu của tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển nước này, nhưng Trung Quốc đã phớt lờ lệnh cấm, theo ông Batongbacal. Ông cho rằng các tàu Trung Quốc tiến hành MSR trong cái gọi là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà không có được sự đồng thuận của Manila.
Cũng theo giáo sư Batongbacal, các tàu khảo sát khoa học Trung Quốc thường được tàu hải cảnh theo sau bảo vệ. Trung Quốc không ít lần triển khai tàu khảo sát đến vùng biển ngoài khơi của các nước khác ở Biển Đông, theo Philippine Daily Inquirer.
Bình luận (0)