Chuyên gia quốc tế đề xuất Việt Nam mở rộng cấp visa điện tử

18/12/2022 15:57 GMT+7

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2022 dự kiến Việt Nam chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, kém xa mục tiêu 5 triệu lượt đặt ra trước đó.

Gỡ khó cho visa (thị thực) để hút thêm các thị trường khách quốc tế mới nổi, tạo đà cho du lịch quốc tế sớm hồi phục trở lại là đề xuất của nhiều chuyên gia trong nước cũng như quốc tế tại một hội nghị bàn về du lịch cuối tuần qua.

Dòng khách cao cấp Ấn Độ là thị trường trọng điểm mà ngành du lịch Việt Nam đang hướng tới khai thác song còn vướng nhiều rào cản

hoàng trung

Nội địa bùng nổ, quốc tế èo uột

Theo ông Chris Farwell, đại diện Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), về tổng quan, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh hơn dự báo ở thị trường nội địa, gia tăng hơn 100 triệu lượt khách so với kế hoạch đề ra là 85 triệu khách.

Tuy nhiên, thị trường du lịch quốc tế đã không đạt tốc độ phục hồi như dự kiến. Ước năm 2022, Việt Nam chỉ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 5 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 4,5 tỉ USD.

Đáng nói, các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia đều vượt mục tiêu về thu hút khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch. Thái Lan đã đạt mốc mục tiêu 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế đặt ra cho cả năm 2022 ngay từ đầu tháng 12, mang lại tổng thu 14 tỉ USD.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng vào thời điểm sau ngày 15.3, khi Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Việt Nam đã có cơ hội tốt để bùng nổ ngành kinh tế du lịch khi được đánh giá là thị trường an toàn bậc nhất thế giới.

Các địa phương và doanh nghiệp cũng rất sẵn sàng để đón khách quốc tế, thế nhưng kết quả lại không đạt được như kỳ vọng.

Nguyên nhân chính theo ông Chris Farwell cũng như TS Trần Đình Thiên, nằm ở vấn đề miễn visa hiện nay. Tới nay, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho một số nước hạn chế; thời hạn thị thực cũng chỉ kéo dài 15 ngày thay vì 30 ngày như trước đây.

Nếu so sánh với chính sách miễn visa rất cởi mở của một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore..., chính sách thị thực của Việt Nam đang “không đồng nhịp với thế giới”.

Trung Quốc là thị trường du lịch quốc tế trọng điểm của Việt Nam trước dịch (du khách Trung Quốc tại cửa khẩu Móng Cái năm 2019)

lã nghĩa hiếu

Cần gia tăng thời hạn visa

Ông Kenneth Atkinson (Công ty Grant Thornton Việt Nam) đề xuất Việt Nam cần mở rộng việc cấp thị thực điện tử cho nhiều quốc gia; đồng thời gia tăng thời gian thị thực, thay vì chỉ 15 ngày như hiện nay. Bên cạnh đó, cần áp dụng các thủ tục nhập cảnh điện tử, hoặc tăng số lượng điểm nhập cảnh để giảm tải tại các điểm nhập cảnh ở các sân bay quốc tế như Tân Sơn Nhất.

Ngoài visa, nhiều rào cản kỹ thuật chậm được gỡ bỏ cũng đang là lực cản rất lớn khiến thị trường du lịch quốc tế chưa thể phục hồi.

Theo ông Hoàng Nhân Chính (Hội đồng tư vấn du lịch), việc bắt buộc du khách quốc tế phải mua bảo hiểm Covid - 19 cũng là rào cản kỹ thuật cản trở sự phát triển của ngành du lịch nói chung. Nhiều quốc gia trên thế giới đã loại bỏ chính sách này, Việt Nam cũng cần phải sớm tìm cách tháo gỡ.

Các chuyên gia cũng đề xuất ngành du lịch cần cải thiện cách thức quảng bá xúc tiến du lịch, rà soát, thay đổi và làm mới bắt đầu từ một chiến lược marketing mới.

Nhiều chương trình phát động du lịch nhưng chủ yếu diễn ra tại Việt Nam, trong khi chưa tiếp cận được thị trường nguồn. Các thị trường nguồn đều đang rất thiếu thông tin về du lịch Việt Nam. Vì vậy, bản thân ngành du lịch cũng cần tự thay đổi mới có hy vọng phát triển được.

Dự kiến, Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) sẽ tổng hợp các đề xuất trên, trình Chính phủ các kiến nghị nhằm mở rộng danh sách miễn thị thực, mở rộng số ngày miễn thị thực; xem xét việc bỏ bảo hiểm Covid - 19.

Ngoài ra, về phía doanh nghiệp, đề xuất xây dựng các sản phẩm du lịch; thúc đẩy đầu tư địa phương về vùng du lịch; quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới; nâng cao trình độ cán bộ; tăng cường chuyển đổi số ngành du lịch Việt Nam...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.