(TNO) Đề xuất của Lầu Năm Góc cho máy bay, tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông nhiều khả năng sẽ gây sức ép khiến Bắc Kinh phải giải thích rõ hơn về những tuyên bố chủ quyền hung hăng của mình, theo bình luận của các chuyên gia Mỹ.
Một binh sĩ hải quân Philippines điều khiển súng máy trong cuộc tập trận chung giữa hải quân Philippines và Mỹ ở Biển Đông hồi tháng 6.2014 - Ảnh: AFP |
Hãng tin Bloomberg ngày 15.5 cho biết trong khi Mỹ và Philippines từ lâu thúc giục Trung Quốc trình ra cơ sở pháp lý cho các tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, Bắc Kinh lại chỉ khăng khăng dựa vào các tư liệu lịch sử mơ hồ, cùng cái gọi là đường 9 đoạn trên những tấm bản đồ của những năm 1940 và các màn dọa nạt bằng sức mạnh hải quân.
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã yêu cầu Lầu Năm Góc cân nhắc mở rộng hoạt động tuần tra tại Biển Đông, bao gồm cả việc cho máy bay trinh sát bay trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây phi pháp và điều tàu chiến áp sát trong phạm vi bán kính 12 hải lý (22 km) của các hòn đảo này.
Phía Mỹ cho biết mục đích của việc này là nhằm thách thức sự bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông và cũng để bảo vệ quyền tự do hàng không và hàng hải. Trong khi đó, các chuyên gia đánh giá đề xuất của Lầu Năm Góc, nếu được Nhà Trắng phê duyệt, có thể tạo áp lực khiến Trung Quốc phải đưa ra cơ sở pháp lý cho các tuyên bố chủ quyền ngang ngược.
“Mục tiêu (của đề xuất từ Lầu Năm Góc) là tận dụng mọi cơ hội để tạo áp lực lên Trung Quốc mà không biến Mỹ trở nên hung hăng quá mức, đồng thời khiến Bắc Kinh phải trở nên ngày càng bất an về những gì họ đang làm”, Bloomberg dẫn lời ông Gregory Poling, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ).
Giới quan sát nhận định việc kiềm chế căng thẳng tại Biển Đông là điều tối quan trọng khi có đến khoảng phân nửa tàu thuyền buôn bán đi qua vùng biển này hằng năm, với giá trị hàng hoá đến 5.000 tỉ USD.
Bãi đá ngầm
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc đang cải tạo đất để xây đảo nhân tạo tại Đá Vành Khăn |
Mặc dù tuyên bố không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhưng Washington cho rằng các tuyên bố của Trung Quốc rất mơ hồ vì theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), chiều rộng của lãnh hải phải được tính từ phía đất liền đi ra, chứ không phải từ bãi đá ngầm.
Philippines đã yêu cầu tòa án quốc tế phân xử tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc tại Biển Đông dựa theo UNCLOS, nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán trực tiếp với riêng Manila.
Bloomberg bình luận nếu đề xuất của Lầu Năm Góc được chính quyền Obama thông qua, Hải quân Mỹ có thể sẽ cho tàu thuyền di chuyển sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên những bãi đá ngầm ở Biển Đông.
Theo UNCLOS, các nước không thể tuyên bố chủ quyền đối với các bãi đá ngầm; do đó việc Trung Quốc thiết lập vùng lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý (khoảng 22 km) xung quanh các bãi đá mà nước này đang chiếm đóng trái phép tại Biển Đông là không hợp pháp.
“Theo luật pháp quốc tế, các đảo nhân tạo chỉ được phép có vùng an toàn rộng tối đa 500 m mà thôi”, ông Poling cho hay.
Trong trường hợp Mỹ cho tàu hải quân áp sát đảo nhân tạo ở cự ly 12 hải lý, nếu Trung Quốc lên tiếng phản đối rằng tàu Mỹ phạm luật khi đi quá gần vào những đảo này, thì Bắc Kinh sẽ buộc phải nói rõ những bãi đá ngầm này giờ là bãi đá hay đảo nhân tạo. Và dĩ nhiên là họ sẽ lâm vào thế "há miệng mắc quai" với dư luận thế giới.
Bình luận (0)