Chuyên gia tâm lý nói gì vụ trao nhầm con ở Ba Vì?

14/07/2018 20:01 GMT+7

Không nên chia tách 2 em bé ra khỏi gia đình lúc này. Cả 2 gia đình cần có thêm thời gian để các con gần gũi nhau. Bệnh viện Đa khoa Ba Vì phải có trách nhiệm hỗ trợ tâm lý cho cả 2 gia đình.

Đây là ý kiến của các chuyên gia tâm lý chia sẻ với Thanh Niên trước vụ việc trao nhầm con ở Ba Vì xôn xao dư luận trong những ngày qua.
Đừng vội vã tách trẻ ra khỏi gia đình
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, ở Việt Nam hiện nay hiện nay chưa có nhiều người hiểu về tâm lý của trẻ em. Việc người lớn nghĩ đơn giản là nhầm thì đổi lại như đổi vị trí của 2 đồ vật là không nên. Để sửa chữa sai lầm cần có thời gian, ít nhất là 6 tháng để các con làm quen.
Dẫn chứng những trường hợp người nước ngoài nhận con nuôi ở các trung tâm, ông Hòa chia sẻ : “Ban đầu họ cho gia đình hiếm muộn làm quen. Hàng tuần đến chơi, mua quà, bánh…Tiếp đến là đưa các con đi chơi, về thăm nhà… cho đến khi bao giờ bố mẹ nuôi không đến các con cảm thấy nhớ mong, muốn gặp, muốn gần gũi, thấy hợp nhau mới được đón về. Thời gian ít nhất để nhận con phải 3 tháng. Con nuôi còn như vậy, huống chi đây là con đẻ, không thể gây sốc cho các con bằng cách bù đắp về vật chất, ăn ngon mặc đẹp là xong. Tổn thương cho các con là rất lớn. Nếu làm vội vàng, chúng ta sẽ không có cơ hội để sửa sai ”.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta nuôi con chó, con mèo còn có tình cảm yêu thương nữa là các bà mẹ. Họ yêu con và đều muốn gắn bó với con. Theo tôi, 2 bà mẹ nên ngồi lại với nhau để các con quen với mẹ ruột. Gò ép trẻ càng làm trẻ tổn thương”.
PGS.TS Tâm lý học Dương Hải Hưng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) bày tỏ: “Thói quen của trẻ được nuôi dưỡng, hình thành suốt 6 năm liền nên không dễ thay đổi ngay trong ngày một ngày hai. Bây giờ đột ngột nhấc trẻ sang một môi trường mới, trẻ sẽ bỡ ngỡ, sẽ có phản xạ hoang mang, lo lắng, thậm chí là như bị bỏ rơi. Đứa trẻ sẽ phải thích nghi lại từ đầu, từ hoàn cảnh sống, cách giao tiếp ứng xử, văn hóa gia đình, cha mẹ ông bà cũng có thay đổi và sẽ nhớ mong trở về gia đình quen thuộc”.
Cháu M (áo cam) chơi đùa với các bạn ở trường mầm non - Ảnh: Thu Hằng

Theo PGS.TS Tâm lý học Dương Hải Hưng, hành vi tâm lý của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của người lớn với đứa trẻ. Các con sẽ chấp nhận sự thật nếu như người lớn phân tích để trẻ hiểu mình sẽ có thêm một người bố, một người mẹ nữa, có thêm ông bà thương yêu trẻ. Và việc này được tiến hành dần dần cho trẻ tiếp xúc dần và tập thích nghi với hoàn cảnh mới, văn hóa ứng xử mới và những con người mới, có như vậy mới thuận lợi hơn cho trẻ.
Bệnh viện không thể né tránh trách nhiệm
Theo TS Phạm Mạnh Hà, bệnh viện Đa khoa Ba Vì đã xử lý thiếu tính nhân văn trong vụ việc này. Ngoài nhìn nhận cái sai, việc cần làm hiện nay là bệnh viện cần có sự hỗ trợ về mặt tâm lý cho cả 2 đứa trẻ và 2 bà mẹ. Ông Hà thẳng thắn: “Việc bệnh viện đang làm hiện nay là né trách trách nhiệm, giải quyết vấn đề theo kiểu phủi tay, chối bỏ trách nhiệm của mình. Bệnh viện cần phải nhìn nhận vấn đề ở yếu tố nhân văn. Mình sai phải sửa sai, phải mời chuyên gia tâm lý đến để hỗ trợ và lên một giải pháp điều trị tâm lý giúp cho 2 gia đình và bọn trẻ con không phải sốc”.
Trước những vụ việc trao nhầm con trong thời gian gần đây, ông Hà cho rằng, hệ lụy khủng khiếp gia đình lục đục tan vỡ, đứa trẻ ly tán còn quá nhỏ để nhận thức. “Bộ Y tế cần có cách thức giám sát trao nhận trẻ sơ sinh. Công nghệ kiểm tra nhóm máu, xét nghiệm để xác định huyết thống rất đơn giản. Khi đứa trẻ giao nhận con cần có những chỉ số đó để nằm trên phiếu giao nhận để bố mẹ biết. Nếu chỉ quàng mỗi số vào tay, việc thay số, đổi số vẫn có thể nhầm lẫn. Đây là việc thiết cần thiết phải làm, đừng cho rằng nó là thủ tục phiền hà. Nếu để tiếp diễn các trường hợp trao nhầm sẽ tạo mối nghi ngờ trong xã hội”, ông Hà nhấn mạnh.
Ông Hà cũng cho rằng, người chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ việc này là giám đốc bệnh viện. Cấp trên buông lỏng, không giám sát chặt chẽ, không có quy định quy chuẩn rõ ràng đã dẫn đến sai sót đáng tiếc.
Còn theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, tổn thất mà bệnh viện gây ra cho các gia đình là quá lớn không thể chỉ một lời xin lỗi là xong. Ông Hòa đề nghị: “Bộ Y tế cần phải nhận vấn đề này ở mức nghiêm trọng, ai làm sai sẽ phải đi tù để những người trong ngành y thấy rằng không thể tùy tiên, coi nhẹ hay xuề xòa cho qua, nếu không sẽ còn rất nhiều trường hợp đau lòng tương tự xảy ra”.


Đầu tuần tới Bệnh viện sẽ làm việc với 2 gia đình
Trao đổi với Thanh Niên chiều nay 14.7, anh Phùng Giang Sơn, bố của cháu Phùng Thanh H. cho biết, hôm nay đại diện bệnh viện đã gọi điện cho gia đình hẹn gặp vào đầu tuần tới để giải quyết dứt điểm vụ việc. Anh Sơn chia sẻ thêm: “Lẽ ra ngay từ đầu, bệnh viện có lời động viên, chia sẻ, gặp gỡ các cháu lắng nghe tâm tư nguyện vọng thì sự việc đã không rắc rối như thế này. Chúng tôi là nông dân nghèo thật không cần quà cáp, vật chất, chỉ cần lãnh đạo bệnh viện xuống thăm gia đình, chia sẻ tình cảm, đằng này họ chỉ nhận lỗi và hứa khắc phục nhưng khắc phục thế nào đến giờ cũng chưa rõ”. Chị Vũ Thị Hương, mẹ cháu Đoàn Nhật H. cho biết, cũng đã nhận thông tin của bệnh viện về hòa giải 2 bên gia đình. “Tôi đã nói với họ, chúng tôi có mâu thuẫn gì đâu mà phải hòa giải. Tuần tới tôi sẽ xin nghỉ việc, dành thời gian đưa cháu M. về quê gần gũi với ra đình. Chúng tôi chỉ mong mọi việc giải quyết êm xuôi, không muốn làm ầm ĩ tránh tổn thương cho các cháu”, chị Hương bộc bạch.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.