Thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, đã có những chia sẻ hữu ích dành cho các thí sinh để 'phong độ' học tập đạt ở đỉnh điểm cao nhất khi kỳ thi diễn ra.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chụp ảnh “tự sướng” cùng học sinh trong chương trình khai mạc Tư vấn mùa thi 2016 - Ảnh: X.P |
Trong chương trình khai mạc Tư vấn mùa thi 2016 do Báo Thanh Niên tổ chức diễn ra vào sáng 27.2 tại Trung tâm hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương, thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, đã có những chia sẻ hữu ích dành cho các thí sinh để “phong độ” học tập đạt ở đỉnh điểm cao nhất khi kỳ thi diễn ra.
Tâm lý phải vững vàng
Theo ông An, khi tập trung cao độ hoặc những lúc dành nhiều thời gian đầu tư học tập thì phong độ học tập sẽ lên “cao chót vót”. Nhưng có khi vì mải mê xem những bộ phim hay, tham gia những chuyến du lịch… thì phong độ “rơi tự do”. Chính vì thế, cách để "điểm rơi phong độ" học tập ở mức “thượng thừa” vào những ngày thi không phải thí sinh nào cũng biết.
“Đầu tiên là thí sinh phải có tâm lý phải vững vàng. Bởi trong kết quả khảo sát do Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt thực hiện với hơn 2.000 học sinh lớp 12 tại TP.HCM với câu hỏi:“Hai tuần trước kỳ thi đại học, bạn làm gì?” thì có hơn 90% học sinh trả lời: “Em sẽ nghỉ ngơi, thư giãn”. Nhưng khi khảo sát thực tế lại có hơn 85% trong số các bạn đó “cắm đầu cắm cổ” học ngày học đêm đến nỗi mắt thâm quầng, mặt mày xanh như... tàu là chuối và không còn chút tâm lý nào để bước vào kỳ thi”, ông An nói.
Ông An cho rằng có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh trước kỳ thi. Đó là áp lực từ gia đình, bắt buộc thí sinh phải thi đậu để nở mày nở mặt với gia đình, với bà con chòm xóm. Thứ hai là áp lực do chính thí sinh tạo ra vì ganh đua bạn bè, với suy nghĩ: "Bạn mình đậu mà mình không đậu thì quê lắm". Chính những áp lực này khiến thí sinh như mang trên vai mình một tảng đá lớn và mang tâm lý nặng nề vào phòng thi, khiến chất lượng bài thi thấp hơn rất nhiều so với khả năng thực tế. Vì lẽ đó, thí sinh phải có tâm lý vững vàng.
Thoải mái trước ngày “xung trận”
Một trong những lo âu, thắc mắc nhiều nhất của thí sinh vào mỗi mùa thi đó là bí quyết có tâm lý thoải mái trước ngày "xung trận". Ông An chia sẻ điều đầu tiên là phải có tư duy tích cực. Thay vì lo sợ: "Chết rồi, mai là ngày thi, phải làm sao đây?” thì hãy nghĩ: “Mình rất tự tin chào đón kỳ thi! Vũ khí của mình là kiến thức. Đề có thế nào thì mình cũng có thể đối phó được”. Thứ hai là thí sinh hãy dẹp bỏ tư tưởng: "Đã thi là phải đậu, không đậu thì mình sẽ... chết". Thay vào đó, hãy suy nghĩ sẽ cố gắng hết khả năng. Như vậy, tâm lý bạn sẽ nhẹ nhàng và thoải mái hơn khi đối mặt với kỳ thi.
Chia sẻ thêm về những bí quyết nhỏ cho sức khỏe ngày thi. Ông An khuyên để đảm bảo dạ dày và hệ tiêu hóa hoạt động tốt, ba ngày trước ngày thi thí sinh cần chọn ăn đúng một món ăn sáng bạn thích nhất như: cơm chiên, phở, hủ tiếu… nhưng chỉ nên ăn đúng một loại thức ăn và ở đúng một quán để cơ thể thích nghi tốt nhất. “Vào ngày thi, nhiều thí sinh ra quán ăn gần điểm thi ăn đại món nào đó lót bụng, khiến không ít bạn vào phòng thi mà mặt mày nhăn nhó, tay ôm bụng vì cơn đau quằn quại. Nên cẩn trọng với câu chuyện này”, ông An nói.
Thí sinh cũng cần tập thói quen dậy sớm trước ngày thi ít nhất ba ngày để đồng hồ sinh học tự điều chỉnh thích nghi với thời gian đó. Có những trường hợp các bạn thí sinh đành ngậm ngùi tiếc nuối chỉ vì đến hội đồng thi trễ 15 phút.
Đi thi cần mang theo những vật gì?
Vị chuyên gia tâm lý này cũng chia sẻ, khi đi thi, ngoài những vật dụng cần thiết phục vụ việc làm bài thì thí sinh cần mang theo một thanh chocolate để bổ sung năng lượng. Bởi thời gian làm bài thi khá dài dễ gây mất năng lượng, trong khi chocolate có nhiều chất đường, cung cấp năng lượng cấp thời cho não, bên cạnh đó còn có chất cafein giúp giữ tỉnh táo.
Ngoài ra thí sinh cần mang theo đủ nước để uống, bởi nước có thể làm tăng tốc độ truyền thông tin giữa các tế bào não, cũng như không bị phân tán tư tưởng bởi cảm giác khát nước mà nhờ đó có thể tập trung giải quyết bài thi.
Bên cạnh đó việc mang theo đồng hồ để luôn kiểm soát sát sao lượng thời gian đã trôi qua, đồng thời tránh quay qua hỏi thí sinh khác hay hỏi giám thị. Một ít khăn giấy cũng sẽ rất cần thiết nếu bạn ra mồ hôi nhiều hay nhằm lúc trời mưa, làm đổ nước khi uống...
“Có một câu hỏi mà nhiều thí sinh hay trả lời sai, đó là: khi nào nên xin tiếp giấy thi? Đừng nghĩ là khi viết hết tờ giấy thi hiện có. Bởi nếu làm vậy thì dòng suy nghĩ sẽ bị cắt đứt trong khi chờ giám thị ký tên rồi mang giấy thi đến. Thay vào đó, khi viết đến trang thứ 4 của tờ giấy thi, bạn hãy nhanh chóng giơ tay xin tờ khác để có thể sử dụng ngay khi vừa viết xong và dòng suy nghĩ không bị ngắt quãng”, ông An khuyên.
Bình luận (0)