Trong 5 năm qua, các lực lượng chức năng tỉnh này đã phát hiện gần 3.000 vụ vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ tính trong năm 2022, Gia Lai đã phát hiện, xử lý 290 vụ vi phạm. Tình trạng tuy có giảm nhưng nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến âm ỉ, phức tạp. Việc người dân xâm canh, phá rừng làm rẫy gây khó khăn không ít cho lực lượng chức năng.
Qua công tác thanh tra trong những năm gần đây đã phơi bày thực trạng đáng buồn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Đó là “đụng” đến ban quản lý bảo vệ rừng nào cũng phát hiện mất rừng, mất đất rừng. Ít thì hơn 500 ha, nhiều thì lên đến 9.000 ha. Trong khi đó, tiền nhà nước cấp để các đơn vị làm công việc này vẫn rót về đều mỗi năm. Vậy nhưng, khi phơi bày việc rừng mất, hầu hết đổ lỗi cho địa bàn rộng, nhân lực ít… Trước thực trạng này, hàng loạt câu hỏi cần được giải quyết như: Rừng bị khai thác trái phép, gỗ được tuồn ra bên ngoài theo đường nào để rồi tuồn đi các nơi? Lỗ hổng ở đâu trong công tác bảo vệ rừng? Vì sao có hiện tượng nhiều cán bộ, nhân viên làm công tác giữ rừng người xin nghỉ hưu trước tuổi, người xin ra khỏi ngành?...
Rừng ở Tây nguyên có giá trị cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hệ sinh thái sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề nếu để mất rừng. Hậu quả thiệt hại là không thể đong đếm. Một cánh rừng, một khu rừng phải mất cả trăm năm mới hình thành với đầy đủ hình hài của một hệ sinh thái rừng. Nhưng chính việc không đảm nhiệm tròn vai của lực lượng chức năng ở Gia Lai đã để cho diện tích rừng bị sụt giảm lớn trong những năm qua. Không còn là câu chuyện đến lúc siết chặt việc giữ rừng mà đây đã là vấn đề “báo động đỏ”. Giữ rừng, trồng rừng, tái tạo rừng đang là tiếng kêu khẩn thiết hơn bao giờ hết.
Bình luận (0)