Nhiều địa phương sử dụng trường học làm nơi chấm thi THPT quốc gia. Trong cái nóng đỉnh điểm của mùa hè, hàng nghìn cán bộ chấm thi tự luận phải ngồi chấm bài từ sáng sớm đến chiều muộn trong những phòng vốn là phòng học và không có điều hòa.
Cũng giống như thí sinh đi thi, giám khảo chấm thi được yêu cầu bỏ toàn bộ vật dụng không cần thiết, đặc biệt là điện thoại ở bên ngoài; chịu sự giám sát chặt chẽ của camera và lực lược thanh tra, an ninh...
|
Một cán bộ chấm thi môn tự luận của Bắc Giang cho biết, nắng nóng khiến việc chấm thi vốn đã rất căng thẳng càng trở nên áp lực hơn. Tiến độ mong muốn là mỗi giám khảo sẽ chấm được 50 bài thi/ngày nhưng thực tế rất khó đạt được. Ngồi trong phòng cả ngày nhưng cố gắng lắm mỗi người cũng chỉ chấm được 30 - 40 bài.
|
Nhiều giám khảo có chung tâm trạng lo lắng vì tham gia chấm thi năm nay, khi sai phạm trong chính khâu này của năm ngoái vẫn chưa phán xét xong. Do vậy việc bám sát hướng dẫn được quán triệt tới từng giám khảo.
|
Kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu, vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa được các trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển nên chỉ thiếu 0,25 điểm, nguyện vọng của thí sinh cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng.
|
Do vậy, giám khảo nào cũng phải căng mình để đọc từ chữ trong bài làm của thí sinh, chắt lọc từng ý nhỏ mà thí sinh làm được để đảm bảo không nới tay chấm “lỏng” nhưng cũng không khắt khe quá mà chấm “chặt” dẫn tới thiệt thòi trong kết quả của thí sinh.
|
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, một số tỉnh không mời giáo viên dạy các trường chuyên để chấm thi môn ngữ văn. Điều có vẻ như nghịch lý này lại có lý ở chỗ giáo viên dạy chuyên thường quen dạy và chấm bài của những học sinh xuất sắc nhất, giỏi nhất nên thường có cái nhìn khắt khe về bài làm của học sinh.
|
Trong khi đó, kỳ thi này có một đề thi chung dành cho tất cả mọi học sinh từ thành thị đến vùng sâu, từ giỏi nhất đến những học sinh khó khăn nhất trong học tập. Điều đó đòi hỏi giáo viên chấm thi phải có một cái nhìn khách quan và toàn diện nhất. Đặc thù của môn ngữ văn với phần đề mở nên sẽ có những suy nghĩ mở, riêng và có thể rất lạ của thí sinh. Đặt bút chấm điểm thế nào với phần bài làm này đòi hỏi mỗi giám khảo phải suy nghĩ, cân nhắc thật cẩn trọng. Có những lúc giám khảo phải dừng lại rất lâu trước một đoạn văn; cũng có những lúc rơi nước mắt vì xúc động trong những dẫn chứng cuộc đời của thí sinh trong bài làm ở phần đề đòi hỏi liên hệ thực tế.
|
Gánh trọng trách lớn, vất vả, “lao tâm khổ tứ” là vậy nhưng thù lao chấm thi theo quy định hiện hành lại rất khiêm tốn. Mức thù lao là 15.000 đồng/bài. Mức thù lao này đôi khi không đủ chi phí ăn ở đi lại đối với những giáo viên ở xa. Ví dụ như ở Lai Châu, có những giáo viên ở tận huyện Ca Lăng, cách thành phố 240 km được điều động lên chấm thi, phải ở trọ suốt thời gian này và tự túc chi phí.
|
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, quy định tối đa là mỗi giám khảo chấm 60 lượt bài/ngày, tính toán tổng thu nhập là hơn 400.000 đồng. Mức này với giáo viên ở khu vực nội thành đã là sự hy sinh vì đây là thời gian giáo viên đang được nghỉ hè.
Tuy nhiên, với những giáo viên ở huyện xa xôi như Ba Vì thì lại càng thiệt thòi hơn vì họ không thể đi về hàng ngày mà phải thuê nhà trọ. Tính ra thù lao nhận được từ chấm thi không đủ chi phí cho việc ăn ở, đi lại. Trong khi đó, chỉ một sơ suất nhỏ, dù vô tình hay cố ý của một người cũng để lại hậu quả nặng nề.
|
Tuy nhiên, vì nhiệm vụ, các thầy cô vẫn được động viên và tự ý thức phải làm hết trách nhiệm, năng lực của mình, vì quyền lợi chính đáng của thí sinh, vì sự công bằng, trung thực của kỳ thi, góp phần xóa “điểm đen” về kỳ thi năm ngoái.
|
Nhiều giáo viên tâm sự, nếu được hỏi có thích được đi coi thi, chấm thi hay không, câu trả lời thực lòng nhất là “không” vì ai cũng biết đây là công việc “quyền rơm, vạ đá”. Nhưng vì nhiệm vụ, nghĩa vụ, tất cả đã làm bằng hết năng lực và cái tâm của nhà giáo với học trò, dù đó không phải là những học sinh họ trực tiếp giảng dạy.
Bình luận (0)