Thế nhưng UBND huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận lại không công nhận kết quả báo chí đã nêu để chấn chỉnh lại việc dạy và học của con em địa phương, mà cho thông tin trên báo là gây dư luận xấu về chất lượng giáo dục tiểu học trong ngành!
Ngày 5.10.2006, UBND huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận có công văn giải trình về thông tin: "học sinh lớp 6 nhưng không biết chữ", đăng trên Báo Thanh Niên số ra ngày 21.9.2006. Công văn nêu rõ: "Căn cứ vào danh sách 12 học sinh yếu môn tiếng Việt, bộ phận chuyên môn Phòng Giáo dục tiến hành khảo sát thực tế tại 2 lớp 6 của Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDT) Thuận Bắc (tổng số 50 học sinh). Kết quả: Có 2 học sinh đánh vần chậm, chữ được, chữ không; 4 học sinh đọc còn chậm; 5 học sinh đọc được, tương đối trôi chảy nhưng một số từ phát âm không chuẩn; 1 học sinh đọc thành thạo. Kết luận: Thực trạng học sinh dân tộc lớp 6 đầu cấp có một số em nhút nhát, hạn chế về tiếng Việt trong giao tiếp, đọc tiếng Việt còn yếu là có thực. Tuy nhiên, không có trường hợp học sinh lớp 6 nào mà không biết tiếng Việt. Số liệu thông tin về 25/50 học sinh chưa biết đọc tiếng Việt và 7 em hoàn toàn không biết chữ là không chính xác. Thông tin này đã gây dư luận xấu về chất lượng giáo dục tiểu học trong ngành, đặc biệt ở huyện Thuận Bắc".
Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Thanh Niên thì Trường PTDT nội trú Thuận Bắc cũng có cuộc khảo sát của mình thì kết quả hoàn toàn khác biệt. Ban giám hiệu đã thành lập tổ khảo sát chất lượng (chủ yếu là tiếng Việt), gồm 6 thành viên. Hình thức khảo sát được tổ chức như sau: gọi tên từng em vào lớp học, sau đó giáo viên đọc một đoạn văn (đọc theo kiểu viết chính tả ở cấp I) cho các em viết. Kết quả hết sức bất ngờ: có 7 em chỉ viết được họ và tên, sau đó để giấy trắng. 18 em viết được một đoạn; số còn lại viết được nhưng sai rất nhiều lỗi chính tả. Đoạn văn này được trích từ bài 8: Cây bút thần (trang 80 - Ngữ văn 6, tập 1 tổng cộng khoảng 89 chữ: "Mã Lương được nghe rất nhiều điều tàn ác của nhà vua đối với dân nghèo, nên em rất căm ghét vua, không muốn vẽ. Vua bắt em vẽ một con rồng, em liền vẽ một con cóc ghẻ. Vua bắt em vẽ con phượng, em lại vẽ con gà trụi lông...". Xin được trích nguyên văn được thể hiện trên trang giấy của em K.T.L như sau: "Mạ Lảng Đực Ngè rac Cua nha Vua Nên Em Vua Bat Em Vè con rong Em lai Ve. Vua Bát Con vè pdợng Em lai Ven con gà". Thậm chí ngay cả tên của các em viết cũng sai chính tả!
Đã là học sinh lớp 6, nhưng Phòng Giáo dục huyện Thuận Bắc lại có công văn số 155/PGD-TH, ngày 2.10.2006 (sau khi Báo Thanh Niên phản ánh), gửi Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Kháng, huyện Thuận Bắc, yêu cầu nhà trường tổ chức phụ đạo môn tiếng Việt cho 18 em học sinh lớp 6 thôn Suối Le, xã Phước Kháng (đây là học sinh lớp 6 thuộc Trường PTDT nội trú Thuận Bắc), bao gồm các ý sau: Nội dung phụ đạo tập trung ở môn tiếng Việt; yêu cầu đọc, viết được, đọc trôi chảy để làm cơ sở tiếp thu các môn học khác. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm duyệt kế hoạch, nội dung, yêu cầu trong từng giai đoạn cụ thể; có cam kết trách nhiệm và hiệu quả của giáo viên giảng dạy. Thời gian thực hiện từ ngày 9.10.2006 đến ngày 31.12.2006 (12 tuần). Mỗi tuần dạy 3 buổi. Sau thời gian này báo cáo kết quả cụ thể về Phòng Giáo dục để có chỉ đạo tiếp theo...
Không chỉ riêng Báo Thanh Niên mà chuyện học sinh lớp 6 không biết chữ cũng đã được Đài truyền hình Ninh Thuận và Đài VTV1 phát sóng phản ánh. Hy vọng UBND huyện Thuận Bắc không nên né tránh sự thật, cần có cái nhìn thẳng vào thực tế để chấn chỉnh lại việc giảng dạy và học tập của các địa phương, nhất là việc học của con em đồng bào dân tộc thiểu số.
T.N
Bình luận (0)