Chuyện ít ai biết về nhà đồng sáng lập thứ ba của Apple

03/08/2018 13:40 GMT+7

Nhắc đến Apple, thế giới nhắc nhiều đến cố CEO Steve Jobs và nhà đồng sáng lập Steve Wozniak, ít ai biết về người thứ ba cùng lập ra Apple, song đã bán 10% thị phần hãng với giá 800 USD từ sớm.

Cổ phiếu Apple vừa lên 207,05 USD, giúp hãng chạm mốc kỷ lục 1.000 tỉ USD giá trị thị trường rạng sáng nay 3.8 (giờ Việt Nam). Apple là doanh nghiệp Mỹ đầu tiên chạm giá nghìn tỉ đô. Nhà phân tích Dan Ives thuộc hãng GBH Insights nhận định: “Tôi nghĩ con số nói lên sức mạnh của hệ sinh thái Apple phát triển trong vài thập niên qua. Chuyện họ đạt 1.000 tỉ USD không phải là kết thúc. Tôi chỉ xem đây là cánh cửa mở ra giai đoạn mới của tăng trưởng và lợi nhuận”.
Sở hữu 10% cổ phần Apple bây giờ dường như là giấc mơ. Song cách đây nhiều năm, có một người đàn ông từ chối cơ hội vàng. Đó là ông Ronald Wayne, nhà đồng sáng lập thứ ba nhưng ít được nhắc đến của Apple.
Thỏa thuận lập doanh nghiệp với chữ ký của ba người: Ông Steve Wozniak, Steve Jobs và Ronald Wayne Ảnh: Bloomberg
Vì lớn tuổi hơn, ông Wayne cùng hai nhà đồng sáng lập Steve Wozniak và Steve Jobs, lần lượt 21 và 25 tuổi ở thời điểm đó, cung cấp cho Apple “sự giám sát thành niên”. Ông Wayne giám sát tài liệu kỹ thuật và cơ khí của Apple để đổi lấy 10% cổ phần trong doanh nghiệp.
Ngày 1.4.1976, ông Wayne viết thỏa thuận nêu rõ trách nhiệm của mỗi người trong bộ ba sáng lập Apple, chính thức hóa vai trò của mình trong công ty. Ông cũng là người vẽ logo đầu tiên của Apple. Logo được sử dụng trong chưa đầy một năm trước khi được thay thế bằng biểu tượng quả táo cắn dở cho đến hôm nay.
Logo đầu tiên của Apple do ông Wayne vẽ bằng tay Ảnh: Wikimedia Commons
Song ông Wayne khi đó nhanh chóng lo ngại rằng cá nhân ông sẽ phải có trách nhiệm với bất kỳ khoản nợ nào của doanh nghiệp. Ông Jobs từng vay 15.000 USD để mua vật tư nhằm hoàn tất hợp đồng đầu tiên của Apple với một cửa hàng máy tính ở Bay Area có tên The Byte Shop. Cửa hàng này đặt khoảng 100 máy tính. Dù vậy, The Byte Shop nổi tiếng là không thanh toán hóa đơn nên ông Wayne lo rằng Apple sẽ không thể thanh toán khoản vay.
Trong khi cả Jobs và Wozniak đều trẻ và không có tiền, ông Wayne có tài sản, trong đó có một ngôi nhà. Vì lo sợ gánh nặng tài chính, 12 ngày sau khi tham gia với Wozniak và Jobs, ông Wayne rút tên khỏi hợp đồng, bán số cổ phiếu của mình lại cho hai nhà đồng sáng lập với giá 800 USD.
Steve Jobs và Steve Wozniak trong ảnh chụp ngày 1.4.1976 ở Los Altos, bang California Ảnh: Reuters
Đây là quyết định sai lầm. Ngày nay, 10% cổ phần Apple có giá hơn 95 tỉ USD. Khối tài sản trên có thể giúp ông Wayne có tên trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Song ngạc nhiên là ông Wayne không hối hận về quyết định của mình, chủ yếu là vì ông hiểu mình khó lòng phát triển mạnh tại Apple. “Tôi có thể phải ở trong bộ phận tài liệu trong 20 năm tới”, ông kể lại với trang Business Insider. Ông nói thêm mình đã cảm thấy lạc lõng, như ông đang “đứng trong bóng tối của những người khổng lồ hiểu biết”.
Một trong các món đồ từng được nhà đấu giá Christie's đưa ra đấu giá: Chiếc máy tính Apple-1 nguyên bản thuộc sở hữu của ông Ted Perry Ảnh: Christie's
“Khi đó tôi 40 tuổi trong khi bọn nhóc này tầm 20. Họ là những cơn lốc. Nếu tôi ở lại Apple, tôi có thể đã làm tổn thương người giàu nhất đã nằm xuống”, ông Wayne nói.
Điều nhà sáng lập thứ ba của Apple hối tiếc nhất không phải là quyết định rời đi, mà là quyết định bán hợp đồng gốc của mình trong Apple hồi năm 1976. Ông từng giữ hợp đồng này nhiều năm, song đến đầu thập niên 1990, ông bán nó với giá 500 USD. Năm 2011, bản hợp đồng nói trên đấu giá được đến 1,59 triệu USD.
[VIDEO] 'Mối tình đầu': Cổ đông trải lòng khi Apple đạt giá 1 ngàn tỉ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.