Chuyện ít biết về Bùi Giáng: Thương vợ kiểu Bùi Giáng

Trong rất nhiều bài thơ của Bùi Giáng có bóng hình “con mọi nhỏ”, cách ông gọi người vợ vắn số mà ông luôn yêu quý và cảm phục.

Trong một lần nói chuyện với tôi, Bùi Giáng bảo rằng hai năm ông chăn thả dê trên rừng núi là hai năm tuyệt vời, sống say mê như chưa bao giờ được sống như vậy. Ông nói: “Đó là hai năm gợi lên biết bao nhiêu cảm hứng cho lòng tôi, cho thơ tôi. Cái phố thị này thì có chi mà sống, có chi mà vui? Mà tại sao tôi chăn dê? Tôi muốn được quên hình ảnh con mọi nhỏ”.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương (trái) và Bùi Giáng ẢNH: GIA ĐÌNH BÙI GIÁNG CUNG CẤP
Tôi lấy làm tiếc khi có một vài người nghiên cứu văn học hiểu nhầm chữ “mọi” trong thơ Bùi Giáng, cho rằng gọi ai là “con mọi” là có ý khinh khi người đó, là kỳ thị dân tộc. Hiểu như vậy thì thật chẳng biết gì về văn hóa Quảng Nam cả.
Trong ngôn ngữ nói thông dụng, người Duy Xuyên, Quảng Nam thương yêu người nào nho nhỏ, xinh xinh thì gọi kẻ ấy là con mọi, thằng mọi. Chữ mọi không hề hàm ý khinh bỉ, không nói gì đến bà con dân tộc khác. Mẹ tôi vẫn thường mắng yêu tôi là “Thằng mọi ăn trộm bánh”. Ấy là vì hồi nhỏ, tôi rất thèm ăn bánh quy. Thơ Bùi Giáng gọi vợ mình “con mọi nhỏ” là thể hiện tình yêu thương đậm đà, thân mật đối với vợ vậy.
Bùi Giáng giải thích khái niệm “mọi” trong thơ mình. Bà là con người trong sáng, tinh khiết như giọt sương mùa xuân, giọt sương ban đầu khai sáng tình yêu lứa đôi trong lòng ông:
Mọi em là mọi sương xuân,
Ban sơ núi đỏ chào mừng non xanh.
Thế nhưng cuộc sống giản dị bên người vợ trẻ hiền hòa đôn hậu không níu được chân ông. Tuy nhiên động cơ nào khiến ông để người vợ trẻ ở lại quê nhà một mình để ngao du thì không ai rõ. Lúc bà trút hơi thở sau cùng khi tuổi mới ngoài 20 do bị bệnh thì ông cũng đang vân du đâu đó. Ông Bùi Luân, em ruột nhà thơ, nói rằng lúc ấy nghe đâu ông Bùi Giáng đang đi học. Điều may mắn là Bùi Giáng cũng kịp trở về quê nhà vĩnh biệt vợ. Thơ ông viết cho bà trang trọng và đầy nước mắt:
Đất hoa khóc vĩnh biệt người.
Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu.
Em thành mẹ của giang san
Sau khi an táng vợ xong, Bùi Giáng bỏ cố quận ra đi. Ra đi nhưng ông vẫn nhớ cố quận, nhớ đến thê thiết não nùng. Nhớ nhưng ông không dám trở về bởi nơi nào ở cố quận cũng nhắc ông nghĩ đến tình yêu của người vợ. Có thể nói toàn bộ tâm trạng của Bùi Giáng trong Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột là nỗi đau tình dành cho người vợ thân yêu.
Năm 1958, 10 năm sau cái chết của người vợ trẻ, ông phục hiện những hình ảnh yêu dấu xưa. Đó là những dấu tích của người vợ để lại - những dấu tích đáng yêu, khiến bài thơ nhớ vợ có một không khí rất đỗi bi ai, tràn đầy hoài cảm:
Em chết bên bờ lúa.
Để lại trên lối mòn.
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con!
Ông phong tặng người vợ của mình lên thành mẹ của giang san:
Em thành Mẹ của giang san,
Em là thần nữ đoạn trường chở che.
Ở lại giữa quê nhà, có được những tháng ngày lang thang giữ dê đọc sách là một hạnh phúc. Thế nhưng trong khung cảnh ấy, ông nhìn nơi đâu cũng có bóng dáng, hình ảnh của “con mọi nhỏ”, khiến trái tim Bùi Giáng hứng chịu nỗi đau tình khôn tả. Chính vì vậy, ông chọn sự ra đi:
Sẽ đi cùng bước chân mùa.
Bóng vang sầu cũ tháp chùa rộng thênh.
Hào hoa bỏ lại bên mình.
Lá thiên thu đẹp làm thinh bên đường.
Thế nhưng, ra đi không phải là quên được. Cái vang bóng về cố quận, về hình tượng người vợ cứ còn mãi đó trong lòng ông. Tập Mưa nguồn có thể xem là tập thơ viết về cố quận, viết cho vợ. Tập thơ thể hiện gần như trọn vẹn tài hoa thi ca của Bùi Giáng, lúc này mới ngoài ba mươi tuổi.
Lắm khi ở phương xa, ông nhớ cố quận. Trí tưởng tượng phong phú đưa ông trở về với cố quận, đối thoại với bà về cuộc sống đoàn viên, ước mơ hạnh phúc. Thế nhưng, còn gì nữa đâu giữa nguồn xưa hư vô? Thơ Bùi Giáng đau cái nỗi đau nát ngọc tan vàng:
Anh cứ ngỡ đùa vui trong tí chút,
Đâu có ngờ đùa mãi đến điêu linh.
Mà đời ông, sau cái chết của bà, trở thành điêu linh thật. Tôi đọc và dịch bộ Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung, thấy ông tả tướng mạo của chưởng môn phái Hành Sơn Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh “Tướng mạo vô cùng điêu linh cổ quái”. Ngày sau, gặp Bùi Giáng lần đầu, tôi cứ nghĩ ông là hiện thân của chưởng môn Mạc Đại tiên sinh; cũng “Cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm âm” - trong cây đàn giấu thanh kiếm, kiếm múa lên lại phát ra tiếng đàn.
Một nửa cuộc đời Bùi Giáng, một nửa trái tim ông đã dành để nhớ bà, người phụ nữ Quảng Nam đã có một chỗ đứng riêng trong thơ của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.