Chia tay người anh lớn
Nghe tin đạo diễn Long Vân qua đời, diễn viên - NSƯT Hà Xuyên bùi ngùi viết trên Facebook cá nhân: "Ba năm được sống và làm việc với anh - một người tâm huyết với nghề - rút hết ruột gan với đam mê cháy bỏng khi làm nghề đủ thấy anh yêu điện ảnh đến chừng nào. Nhờ sự quyết đoán của đạo diễn Long Vân mà Hà Xuyên có một vai diễn để đời là Ngọc Mai - Z20 trong Biệt động Sài Gòn. Vẫn biết rằng cuộc đời này sinh - lão - bệnh - tử nhưng sao lòng cứ nặng trĩu khi phải chia ly người thầy, người anh và người bạn".
Rồi Hà Xuyên nhớ lại người còn, người mất của đoàn phim Biệt động Sài Gòn. NSƯT Bùi Cường (vai Năm Hòa) ra đi vào tháng 8.2018. Diễn viên - NSƯT Quang Thái (vai Tư Chung) qua đời tháng 6.2019. Tháng 2.2022, nghệ sĩ Thanh Tú (vai chuẩn tướng VNCH Nguyễn Ngọc Liên) qua đời ở tuổi 83 sau 13 năm chống chọi với bệnh tật. Trước đó, diễn viên Hồng Phúc, người thủ vai cảnh sát trưởng Đặng Văn Song, cũng từ giã cõi đời…
Hiện tại, Thương Tín (Sáu Tâm), Aly Dũng có cuộc sống khó khăn, nhiều bệnh tật tuổi xế chiều, trong khi Hai Nhất (Ba Cẩn) đang phục hồi sức khỏe sau cơn đột quỵ.
Diễn viên Thanh Loan (vai ni cô Huyền Trang) vô cùng đau buồn và tiếc thương khi biết tin đạo diễn Long Vân qua đời. Chị cho rằng đạo diễn Long Vân ra đi là mất mát lớn với điện ảnh cách mạng VN.
Kỷ niệm nhớ mãi của đoàn phim
Hà Xuyên kể lại kỷ niệm đáng nhớ khi đóng bộ phim kinh điển này. "Anh Vân cứ nói tôi là đứa bướng bỉnh, không chịu mặc bộ đồ ngủ mỏng tanh khi quay cảnh đêm tân hôn. Và rồi anh cũng chịu đổi đoạn này dù không vui vì gặp phải cô diễn viên "gàn" như tôi", Hà Xuyên nói.
Hơn 40 năm trước, đoàn phim thực hiện những cảnh quay Biệt động Sài Gòn khi đời sống nhân dân cả nước còn cực kỳ khó khăn, thiếu thốn. Chỉ có Hà Xuyên và Thương Tín là sống ở TP.HCM, còn lại các diễn viên khác đều từ Hà Nội vào miền Nam đóng phim. "Nhiều diễn viên phải mang cả con cái theo đoàn phim vì ở ngoài Bắc không ai chăm và cũng không có tiền mướn người trông. Chị Thanh Loan mang con gái nhỏ. Con gái Vân Dung của đạo diễn Long Vân cũng vào ăn ngủ cùng đoàn phim và đóng vai cô bé bán báo dạo trong phim. Ngay cả anh Long Vân cũng vào vai một doanh nhân tham gia làm chứng nhân cho cuộc trao đổi tù binh của hai phía. Vậy mà anh em rất yêu thương nhau, không bao giờ có chuyện sao này sao nọ bắt người khác phải phục tùng hay chờ đợi. Biệt động Sài Gòn được chọn là một trong những phim hay nhất về đề tài chiến tranh VN khiến ai cũng vui mừng không thể tả được, chúng tôi góp chút công sức nhỏ vào việc tôn vinh những anh hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến vĩ đại này", diễn viên Hà Xuyên kể.
Diễn viên Hai Nhất từng cho biết Ba Cẩn gài một túi máu giả trong ngực để kích nổ khi bị Ngọc Lan (Thúy An) bắn. Vì áo sẽ rách nên buộc ông và Thúy An chỉ được diễn 1 lần. Đạo cụ là súng thật, đạn mã tử nhưng vẫn có thuốc súng có thể gây sát thương. Thúy An được đạo diễn yêu cầu bắn lệch sang 1 bên nhưng khi cảnh quay bắt đầu, chị bắn thẳng, trúng bàn tay Hai Nhất. "Vừa nghe đạo diễn hô "cắt!", tôi ôm bàn tay kêu cứu và được đưa thẳng vào bệnh viện cấp cứu", ông kể.
Thuở sinh thời, diễn viên Thanh Tú cứ nhắc lần ông tham gia phim Biệt động Sài Gòn phải tự mình đi may bộ comple trắng, đặt buổi sáng là chiều lấy để kịp tiến độ quay, chấp nhận trả công cao cho thợ may.
13 năm trước, ở tuổi 74, đạo diễn Long Vân vẫn sản xuất bộ phim truyền hình Những đứa con của Biệt động Sài Gòn. Lúc đó ông cho biết đang sống bằng lương hưu được 2,5 triệu đồng/tháng. "Cả đời cống hiến cho nghệ thuật, đi khắp mọi miền đất nước, vui nhiều mà buồn cũng không ít, giờ chợt nhìn lại tôi chẳng để gì cho vợ con. Khi con gái Vân Dung vừa tốt nghiệp Trường Sân khấu - Điện ảnh, vợ chồng tôi dắt cháu vào gặp Ban giám đốc Tổng công ty Hàng không VN xin cứu giúp. Rất may thấy tình cảnh gia đình, họ đồng ý nhận cháu vào học lớp tiếp viên hàng không, sau đó đi bay được 3 năm. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình đỡ hơn trước", vị đạo diễn già bùi ngùi tâm sự với người viết.
Đạo diễn Long Vân qua đời ở tuổi 87 vào ngày 24.12 sau 11 năm bị bệnh tật đeo đẳng. Trước khi mất, ông sống với vợ - nghệ sĩ Kim Cương - tại phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Bộ phim đầu tay của đạo diễn Long Vân là Tiếng gọi phía trước (1979), sau đó là Nơi gặp gỡ của tình yêu và Cho cả ngày mai. Tuy nhiên đến khi Biệt động Sài Gòn khởi chiếu, ông mới được khán giả biết đến nhiều. Bộ phim tạo nên cơn sốt vé vào thời đó, gây tiếng vang trong lòng khán giả cả nước. Đạo diễn Long Vân còn làm thêm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Những đứa con của Biệt động Sài Gòn...
Bình luận (0)