Chuyện ít biết về ga Hàng Cỏ

12/11/2017 07:39 GMT+7

Sau khi chiếm Hà Nội và Bắc kỳ, chính phủ Pháp hiểu rằng muốn phát triển kinh tế ở xứ thuộc địa này thì phải mở mang giao thông .

Vì thế một kế hoạch xây dựng cầu, đường trong đó có đường sắt đã được vạch ra từ cuối thế kỷ 19.
Vì sao có tên Hàng Cỏ?
Khi Paul Doumer nhậm chức toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902), ông ta muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông. Ngày 16.6.1898 Paul Doumer chấp thuận vị trí xây ga là khu vực cuối phố Gambetta (phố Trần Hưng Đạo hiện nay) và đường Mandarine (nay là đường Lê Duẩn) trong đó có một phần trường đua ngựa mới thành lập (hiện là Cung văn hóa Hữu Nghị) và thôn Tứ Mỹ. Ga được khởi công xây dựng năm 1899, khánh thành năm 1902 được đặt tên là ga Trung tâm Hà Nội. Vì cái tên quá dài và thói quen gọi tên theo địa danh nên dân chúng gọi là ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội).
Ban đầu ga chỉ gồm dãy nhà chính trông ra đầu phố Gambetta, sau đó chính quyền trưng mua đất của dân rồi mở rộng diện tích như hiện nay. Cả khu vực ga hiện nay thời Nguyễn là đất của nhiều thôn. Còn dãy nhà chính từ cuối thời Hậu Lê là nơi những người làm nghề cắt cỏ quanh vùng mang ra đây bán cho các chủ ngựa và người nuôi bò trong thành. Khi Nguyễn Ánh chuyển kinh đô vào Huế đã hạ cấp Thăng Long thành trấn và nơi đây là hậu quân của Tổng trấn Bắc thành. Đến đầu đời vua Tự Đức, hậu quân không còn, khu này thành bãi đất hoang. Cũng thời Tự Đức, vì đoạn đường gần Cửa Nam nằm trên đường Cái Quan (từ Huế ra thành Hà Nội) có nghề làm lọng nên nó được đặt tên là Hàng Lọng. Khi người Pháp chiếm Hà Nội, họ đổi Hàng Lọng thành đường Cái Quan (Route Mandarine).
Tiền xây ga hoàn toàn không phải do chính phủ Pháp bỏ ra mà họ kêu gọi các nhà tư bản góp vốn. Tổng diện tích bao gồm sân ga là hơn 200.000 m2. Dãy nhà phục vụ các hoạt động của ga dài 110 m với sảnh chính cao 3 tầng, trên gắn đồng hồ cho khách biết giờ tàu đến và đi. Kiến trúc tòa nhà theo kiểu các công trình công sở như ở Paris có mái dốc đứng. Cùng với ga Hà Nội, chính phủ Pháp cũng cho xây dựng ga Gia Lâm với quy mô khá lớn đóng vai trò ga đầu mối phía bắc. Không lâu sau khi ga Trung tâm Hà Nội khánh thành các tuyến đường sắt đi phía nam, phía bắc cũng hoàn thành tạo ra hệ thống đường sắt mà họ gọi là đường sắt Đông Dương.
Sau một thời gian mang tên ga Trung tâm Hà Nội, để mị dân, toàn quyền Đông Dương cho đổi lại tên thành ga Hàng Cỏ. Nhà thơ Tản Đà có bài thơ La gare Hàng Cỏ với đoạn kết:
Kẻ ra Hải Phòng, kẻ đi Vinh/Kẻ ngược Lào Kay, kẻ lên Lạng/Chuyến ấy qua xong, chuyến khác về/Sớm sớm, trưa, chiều, đưa, đón rước/Bao nhiêu nhanh chóng bấy nhiêu tiền/Đã tiện cho dân lại lợi nước/Nghĩ xem một sự đường hỏa xa/Thực người đời nay sướng hơn trước.
Kiến nghị dời ga từ 93 năm trước
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ga Trung tâm Hà Nội và đường sắt nằm ở ngoại ô thành phố. Thế nhưng các vùng đất ngoại ô thuộc tỉnh Hà Đông như: Khâm Thiên, Nam Đồng, Vọng... giáp Hà Nội đã phát triển thành khu phố đông dân. Khâm Thiên còn trở thành phố cô đầu, phố nhảy đầm nên ga và đường sắt bị các phố bao vây buộc chính quyền phải làm thanh chắn, cho người gác mỗi khi tàu chạy qua. Điều này dẫn đến ùn ứ người và phương tiện giao thông từ phía đông sang tây hoặc ngược lại mỗi khi tàu chạy qua Khâm Thiên, ngã tư Vọng. Và dần dần trở thành vấn đề lớn khi mỗi ngày có vài chục chuyến tàu hàng và tàu khách đến, đi từ ga Hàng Cỏ.
Trước thực trạng này, dư luận đã lên tiếng. Ngày 15.6.1924 báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương (L’Eveil économique de L’Indochine) đã đăng chuyên đề về thực trạng ùn ứ giao thông do đường sắt gây ra và kiến nghị chính quyền xem xét quy hoạch lại ga Hàng Cỏ. Tuy nhiên, ga được xây với số tiền quá lớn lại mới hoạt động hơn 20 năm nên chính quyền không thể di dời đường sắt và ga Hàng Cỏ. Chính quyền đưa ra giải pháp hạn chế khách đi tàu phải vào ga trung tâm bằng cách xây ga Vọng phía nam thành phố và ga Đầu Cầu (nay là Long Biên). Giải pháp này tạo thuận lợi cho nhiều hành khách khi họ không cần phải vào ga Hàng Cỏ.
Ga Hà Nội ngày nay ẢNH: NGỌC THẮNG
Những năm 1930, dân cư Hà Nội tăng vọt, thành phố trở nên chật chội, vì thế năm 1936, chính phủ thuộc địa đã tiến hành quy hoạch lại thành phố. Và quy hoạch mang tên Henri Cerutti được toàn quyền Đông Dương Jean Decoux phê duyệt năm 1943. Theo quy hoạch, Hà Nội được mở rộng lên phía hồ Tây và phía nam với nhiều đại lộ cùng các nút giao thông lớn. Về phương tiện giao thông công cộng thì đường tàu điện sẽ nhiều hơn. Một ga tàu hỏa lớn sẽ được xây dựng ở Giáp Bát và ga này trở thành ga trung tâm của thành phố. Tuy nhiên thời điểm đó quân đội Nhật đã chiếm VN và nước Pháp cũng đang trong chiến tranh nên quy hoạch không thực hiện được. Suốt từ đó đến sau này, đường sắt vẫn chạy qua các phố để vào ga Hàng Cỏ, gây khó khăn cho giao thông đường bộ Hà Nội.
Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối năm 1972 chống cuộc tập kích đường không của Mỹ vào miền Bắc nước ta, ga Hàng Cỏ bị bom Mỹ rơi trúng làm sập sảnh chính. Sau đó sảnh này được xây lại theo một kiểu khác không ăn nhập với phần còn lại. Và cũng để giảm bớt các chuyến tàu hàng vào ga Hàng Cỏ, năm 1973, ngành đường sắt đã chuyển tàu hàng xuống ga Giáp Bát, bốc dỡ hàng hóa ở đây.
Từ khi đổi mới, phố xá mọc lên san sát, dân cư ngày càng đông đúc đã gây nhiều điểm xung đột giao thông giữa đường sắt và đường bộ. Mỗi khi tàu chạy qua, ùn tắc lại xảy ra tại các điểm giao cắt khiến giao thông Hà Nội càng thêm hỗn loạn.

tin liên quan

Ký ức giao thông Hà Nội xưa
Thời vua Tự Đức, Hà Nội chỉ có vài đường ở khu vực “36 phố phường” lát gạch, còn lại là đường đất chật hẹp, chợ lấn hết lối đi. Không có quy định nên người và phương tiện tham gia giao thông theo tinh thần đạo đức truyền thống “dưới nhường trên” và “người đàng hoàng giữa đàng (đường) mà đi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.