“Cuộc chiến” công văn
Sau khi chiếm trọn Hà Nội năm 1883, công sứ Pháp đầu tiên ở Hà Nội là Bonnal đã cho quy hoạch hồ Gươm. Tết năm 1893, họ tổ chức khánh thành con đường rộng 10 m quanh hồ. Sau đó cho trồng cây tạo cảnh và lấy bóng mát. Nhưng đến năm 1925, hội đồng thành phố ra nghị quyết lấp hồ. Lý do là “theo nguyện vọng của dân chúng Hà Nội muốn có một không gian rộng rãi để vui chơi, vì thế cần thiết phải mở rộng quảng trường Négrier” (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục). Không thể di dời nhà dân vì làm như vậy kinh phí rất lớn nên chỉ còn cách lấp hồ. Hội đồng thành phố đã họp và thống nhất phương án lấp 20 m hồ ở phố Francis Garnier (Đinh Tiên Hoàng hiện nay) và 10 m ở phía tây (phố Lê Thái Tổ hiện nay) để trồng cây, làm tiểu cảnh.
Tháng 3.1925, dự án được thực hiện. Công việc đang tiến hành thì Viện Viễn Đông Bác cổ có công văn hỏa tốc gửi thống sứ Bắc kỳ, kiến nghị cho dừng vì lý do “phá hoại các di tích lịch sử ven hồ”. Ngay lập tức ngày 1.5.1925, Thống sứ Bắc kỳ J.Krautheimer có công văn gửi đốc lý Hà Nội yêu cầu tạm dừng nhưng Đốc lý Louis Frédéric Eckert vẫn cho san lấp. Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Léon Finot tức tối gửi tiếp công văn thông báo cho thống sứ: “Đốc lý Hà Nội vẫn tiếp tục lấp hồ”. Trong công văn gửi thống sứ, đốc lý Hà Nội cho rằng: “Nghị định của Toàn quyền Đông Dương giao quyền quản lý các di tích lịch sử cho Viện Viễn Đông Bác cổ vẫn chưa ký và chưa đăng trên công báo nên không thể áp dụng vào việc thành phố đang làm. Mặt khác, nếu nghị định được ký thì bờ hồ cũng không thể xếp vào di tích lịch sử”. Đốc lý Eckert yêu cầu thống sứ xóa bỏ lệnh cấm. Trước lý lẽ đó thống sứ Bắc kỳ đã cho phép thành phố tiếp tục công việc. Và Viện Viễn Đông Bác cổ cũng gửi công văn không chịu trách nhiệm về những gì thành phố đã làm, đồng thời yêu cầu thành phố thông báo những công việc tiếp theo là gì. San lấp xong, thành phố cho trồng cây, lát vỉa hè và diện tích hồ từ đó đến nay không thay đổi.
Nơi các cô gái trầm mình
Luận án tốt nghiệp bác sĩ Trường Y Hà Nội năm 1937 của Vũ Công Hòe là: Vấn đề tự sát trong xã hội VN (Du suicide dans de société Annamite). Sở dĩ Vũ Công Hòe chọn đề tài này vì tự tử đã trở thành vấn đề mang tính xã hội ở VN trong thập niên 1920, 1930. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tự tử: do nghèo đói, bị ức hiếp nhưng các vụ tự tử ở Hà Nội phần lớn là vì tình và hầu hết xảy ra ở hồ Gươm.
Chỉ tính từ năm 1934 - 1936, có 20 vụ. Các cô tự tử vì xung đột quan niệm cũ và mới, có cô quyết chết vì không lấy được người mình yêu, có cô bị gia đình ép hôn, lại có cô bị phụ tình. Tuy nhiên chỉ có những vụ các cô gái con nhà gia thế mới gây được sự chú ý của dư luận, trong đó 2 vụ gây ồn ã nhất là cô Tuyết Hồng con nhà giàu phố Hàng Gai và cô Phượng ở phố Hàng Ngang.
Cô Hồng đem lòng yêu một chàng trai ở phố Hàng Bồ, bố mẹ cô biết chuyện đã cấm đoán nên hai người chỉ bí mật thư từ. Trong khi đó bố mẹ cô nhận lời gả cô cho con trai một gia đình nhà buôn lớn ở phố Hàng Đường. Ngày anh này du học từ Pháp về, gia đình anh đến thưa chuyện có lời chính thức cho 2 người đi lại. Tuyết Hồng từ chối, khóc lóc van xin và bị cha mẹ mắng mỏ bắt phải lấy. Và một tối cô Hồng ra hồ Gươm gieo mình. Không thấy con về, người nhà nháo nhác đi tìm, báo cảnh sát. Hôm sau người ta thấy xác cô nổi ở gần bờ phía phố Hàng Khay. Vụ cô Phượng xinh đẹp ở phố Hàng Ngang cũng là ngang trái vì tình. Trong hồi ký của nhà văn Vũ Ngọc Phan, cô Phượng từng làm ngẩn ngơ đám con trai Trường Bưởi. Cô Phượng chết, xác nổi gần Tháp Rùa. Các tờ báo lá cải thêm “mắm muối” tường thuật thành vụ tự tử ly kỳ. Có nhà văn viết thành cuốn tiểu thuyết lấy tên là Mồ cô Phượng, sách in ra bán rất chạy. Và có rạp đã thuê thầy tuồng dựng thành kịch, các bà các cô đi xem ai cũng đẫm nước mắt.
Bình luận (0)