Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Con đường trung tâm thương mại

17/08/2016 05:39 GMT+7

Cũng như Catinat (Đồng Khởi) và Charner (Nguyễn Huệ), một số nhân vật để lại dấu ấn trên đại lộ Bonard (Lê Lợi ngày nay) như bác sĩ Theodose Dejean de la Bâtie, Châu Văn Liêm, Nguyễn Phong Cảnh, Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký), Cazeau, Bernard... cho ta một bối cảnh kinh tế, xã hội của con đường này trong lịch sử gắn liền với ký ức của người Sài Gòn.

Nơi tập trung nhiều công ty lớn
Rạp Casino Saigon ở số 28 đại lộ Bonard, ngay góc đại lộ Bonard và rue Pellerin (Pasteur), chiếu các bộ phim thịnh hành ở Paris (Pháp). Vào mùa mưa, nơi đây thường tổ chức các trận đánh quyền anh, thu hút rất nhiều người đến xem. Sau năm 1975, rạp được đổi tên là Vinh Quang và trở thành Sân khấu kịch Sài Gòn vào năm 1998. Cách đây vài năm, rạp bị phá để xây khách sạn, kết thúc một lịch sử đặc thù lý thú của phim ảnh Sài Gòn trong thế kỷ 20.
Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đại lộ Bonard bắt đầu từ ngã ba đại lộ Bonard với đường Pasteur đến cuối đại lộ ở góc với đường Mac Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) tại số 44 bis Boulevard Bonard. Lúc này chưa có Nhà hát Thành phố, chợ Bến Thành và cũng chưa có Boulevard Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo). Đường đi Chợ Lớn là từ đường La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng) đi Route Haute (đường trên tức đường Nguyễn Trãi ngày nay).
Đại lộ Bonard lúc này không quan trọng bằng hai con đường từ sông Sài Gòn lên trung tâm thành phố là đường Catinat và đại lộ Charner. Nhà hát Thành phố và chợ Bến Thành (Chợ Mới) được thành lập vào năm 1914, ga xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho được dời từ đầu đường Hàm Nghi gần bến Bạch Đằng đến vị trí ở quảng trường Eugène Cuniac (nay là quảng trường Quách Thị Trang) gần Chợ Mới và xe hơi, đường bộ bắt đầu phát triển thay thế cho vận chuyển, chuyên chở hàng hóa trên kinh rạch vào khoảng thập niên 1920 song song với sự thành lập Boulevard Galliéni, con đường huyết mạch nối Sài Gòn với Chợ Lớn. Lúc này, đại lộ Bonard bắt đầu chiếm ưu thế về kinh tế và được coi như con đường trung tâm thương mại của Sài Gòn.
Số 21 đại lộ Bonard ngay góc với đại lộ Charner là cửa hàng xe hơi Autohall chuyên bán các loại xe hơi hiệu Dodge Brothers, Citroen. Số 28 là cửa hàng cà phê và khách sạn Grand Hôtel des Nations của ông bà Pancrazi. Số 23 - 29 là trụ sở Công ty Société Anonyme des Garages Indochinois, đại lý chính thức độc quyền bán xe hơi hiệu Chevrolet. Số 32 là tòa soạn báo La dépêche de Saigon. Số 42 là văn phòng của nhà quay phim Louvet, số 42 bis là văn phòng của Công ty đồn điền cao su Société Suzannah. Bên kia đường ở số 19 là văn phòng của nhà nhiếp ảnh J.Brignon…
Quảng trường Quách Thị Trang
Quảng trường Eugène Cuniac (Place d’Eugène Cuniac) còn gọi là quảng trường chợ Bến Thành (Place Les Halles Centrales hay Place Marché) trước khi được thành lập là khu vực các đường rue Nemesis (từ Phó Đức Chính đến Thủ Khoa Huân ngày nay), rue Amiral Courbet (rue Batavia trước đó, nay không còn, vị trí đầu đường Trần Hưng Đạo ngày nay) bao quanh nhà kho thành phố ở cuối đại lộ Bonard, góc Filippini (trước đó gọi là rue Cap de St.Jacques) và rue Mac Mahon. Khu vực này được Thị trưởng Sài Gòn là ông Cuniac giải tỏa, phá bỏ nhà kho xe lửa cũ để xây trạm xe lửa mới về hướng tây ở khu phía gần đường Boresse (nay là đường Yersin) trên khu trước kia là đầm lầy (ngày nay là công viên 23.9) và xây dựng Chợ Mới thay thế Chợ Cũ. Khu đất giữa quảng trường Cuniac trong những năm 1920 là nơi có lễ hội vui chơi buôn bán. Các gánh xiếc giải trí, cải lương, nhạc tài tử, múa, ca nhạc với đánh võ quyền anh đã được tổ chức tại đây.
Trên báo Écho Annamite (ra ngày 9.6.1927) có đăng quảng cáo gánh xiếc Long Tiên ở Place de Cuniac, cho biết đoàn xiếc Long Tiên là đoàn thứ ba sau đoàn VN và Đại Nam của người Việt từ Bắc kỳ vào trình diễn. Đây là những đoàn đã lập ra sau đoàn xiếc tiên phong Jeune Annam của ông André Thận ở Nam kỳ. Tên chính thức là quảng trường Cuniac nhưng người Sài Gòn thường gọi là bùng binh chợ Bến Thành (Place Marché). Năm 1955 được đổi là quảng trường hay bùng binh công viên Diên Hồng.
Tại đây, ngày 25.8.1963, trong cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên chống thiết quân luật của chế độ Ngô Đình Diệm, học sinh Quách Thị Trang, 15 tuổi, đã bị cảnh sát bắn chết. Cái chết của Quách Thị Trang gây xúc động lớn với người dân Sài Gòn.
Đám tang của Quách Thị Trang với sự tham gia đông đảo của người Sài Gòn thúc đẩy sự cáo chung của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau năm 1963, tượng của Quách Thị Trang được đặt kế tượng Trần Nguyên Hãn đã có trước ở bùng binh chợ Bến Thành và được người dân gọi là bùng binh Quách Thị Trang.
Ngày nay tên chính thức của quảng trường trước chợ Bến Thành là quảng trường Quách Thị Trang.
(Trích từ Sài Gòn - Chợ Lớn, Ký ức đô thị và con người, NXB Văn hóa - Văn nghệ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.