Émile Gsell (1838 - 1879)
Émile Gsell là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và thương mại đầu tiên ở Sài Gòn. Ông được gửi đến Nam kỳ vì nghĩa vụ quân sự, nhưng sau đó được giải ngũ khi ông được tuyển dụng trong đoàn thám hiểm sông Mê Kông cùng với trung úy Francis Garnier. Ông là người đầu tiên chụp ảnh đền Angkor với các đoàn thám hiểm. Sau chuyến đi này, ông mở văn phòng nhiếp ảnh ở Sài Gòn, Gsell Photographie, bán các hình ảnh đền Angkor rất thành công. Ông còn chụp rất nhiều hình ảnh về cảnh quan, đời sống ở Sài Gòn và các nơi khác ở Nam kỳ.
Ông cũng chụp hình cảnh quân Pháp đánh thành Hà Nội vào năm 1873 do Francis Garnier chỉ huy. Ông là người đầu tiên chụp chân dung của một phụ nữ VN ở Bắc kỳ (Tonkin).
Ông thường tìm hiểu, chụp hình về đời sống, tập tục của người dân bản xứ. Phòng studio chụp hình của ông ở Sài Gòn gần nhà những người Việt giàu có và họ thường đến để được ông chụp chân dung cho họ. Lúc gần cuối đời ông có chụp các ảnh các công trình kiến trúc và công chánh ở Sài Gòn.
Pun Lun (1864 - 1900)
Pun Lun (Tân Luân) là nhiếp ảnh gia người Hồng Kông nổi tiếng. Ông có chi nhánh văn phòng nhiếp ảnh ở Sài Gòn, Phúc Châu, Singapore.
Một số ảnh văn phòng nhiếp ảnh của ông chụp ở Sài Gòn thuộc loại những ảnh xưa nhất ở Sài Gòn. Trong số này có ảnh rất đẹp, chụp rất nghệ thuật một viên chức ở Nam kỳ, bức Un notable Indochinois.
|
Aurélien Pestel (1855 - 1897)
Có thể nói ông Pestel là nhà nhiếp ảnh tiên phong tài ba nhất vào cuối thế kỷ 19 ở Sài Gòn. Ban đầu công việc của ông Pestel không có liên hệ trực tiếp đến nhiếp ảnh, nhưng sau đó ông trở thành nhiếp ảnh chuyên nghiệp lúc ở Cam Bốt, sau đó là Sài Gòn, nơi ông mất năm 1897 ở số 10 đại lộ Charner.
Chất lượng những hình ảnh ông chụp đã làm ông trở thành như một sứ giả đại diện cho Đông Dương ở triển lãm thế giới năm 1894 ở Lyon. Ông đã trưng bày một bộ album về Nam kỳ và Cam Bốt. Bộ album này chính nó cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Ông có chụp các ảnh bên trong nhà của ông Tổng đốc Phương ở Chợ Lớn (nhà này ở đường Châu Văn Liêm và hiện nay không còn nữa). Người kế nhiệm Pestel, ông Planté cũng in lại trên các carte postale (édition La Sarcelle) những ảnh đẹp nhất của Pestel.
Văn phòng studio, số 10 đại lộ Charner, của ông sau khi ông mất được Négadelle sử dụng, sau đó là Paullussen, và cuối cùng là ông Planté. Tất cả đều là nhiếp ảnh gia có tiếng ở Sài Gòn sau này.
Ông Nguyễn Đình Khánh, tên thật là Nguyễn Văn Xuân tự Khánh Ký, sinh năm 1884 ở làng Lai Xá, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông hoạt động nhiếp ảnh ở Sài Gòn nhiều nhất trong các năm 1924 đến năm 1933. Văn phòng Sài Gòn của ông ở số 54 Boulevard Bonard (Lê Lợi). Cơ sở của ông Khánh Ký ở Sài Gòn năm 1934 mướn 27 nhân viên kể cả những người trong phòng chụp ảnh, phòng rửa hình, chỉnh hình và bán hàng. Từ năm 1917, ông là người chụp ảnh chân dung cho tất cả các viên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, cũng như hoàng đế VN, vua Cam Bốt và Lào.
Ông cũng chụp ảnh cho Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des études Indochinoises). Một số ảnh của ông cũng có đăng trên báo Monde colonial illustré (1931) trong số đặc biệt nhân dịp Hội chợ triển lãm thuộc địa và số năm 1932 sau khi Bộ trưởng Thuộc địa, Paul Reynaud, đến viếng Đông Dương.
Võ An Ninh (1907 - 2009)
Võ An Ninh sinh ra ở Hà Nội. Dưới thời Pháp thuộc, ông làm phóng viên nhiếp ảnh của Sở Kiểm lâm. Võ An Ninh đi khắp mọi miền đất nước bắc - trung - nam để chụp ảnh với cái camera của Đức hiệu Zeiss Ikon (1928) và mãi tới gần cuối đời ông vẫn dùng độc chiếc máy này với phim đen trắng.
Ông có những bức ảnh nghệ thuật ở Sài Gòn có giá trị về nghệ thuật và tư liệu xã hội như: Lẻ loi (1941), Sóng đôi (1942), Chợ Bến Thành và bến xe thổ mộ (1949), Cụ đồ viết câu đối Tết (Sài Gòn, 1950), Nhà thờ Hồi giáo (1950), Vườn Tầm vông ngoại thành (1950), Đêm phục sinh (1950), Thiếu nữ Sài Gòn (1951), Ngày xá lợi (1951), Lăng Ông ngày Tết (1952), Bình minh trên sông (1952), Khói hương chùa Bà, Chợ Lớn (1953), Qua Cầu (Thủ Đức, 1953).
Bình luận (0)