Chuyện kẻ ở lại, người về quê dịp tết...

21/01/2024 08:50 GMT+7

Cuộc sống chật vật vì kinh tế khó khăn nên nhiều người trẻ đang mưu sinh ở thành phố ngại về quê đón tết.

Trần Thị Huyền Thương (28 tuổi, quê ở H.Tương Dương, Nghệ An), chủ một quán cháo lươn trên đường Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM, kể những năm trước, mỗi dịp tết đều để dành được hai bao lì xì cho bố mẹ. "Mỗi bao lì xì khoảng chục triệu đồng giúp bố mẹ vui và yên tâm vì thấy con làm ăn tốt. Còn năm vừa qua mọi việc không thuận lợi, tình hình kinh doanh ảm đạm. Về nhà mà mặt mình không được vui là bố mẹ biết ngay việc bán buôn thất bại. Vậy nên tết này mình không về quê, để khỏi ảnh hưởng tâm trạng của người thân vào dịp đầu năm mới", Thương buồn buồn nói.

Còn anh Nguyễn Ngọc Dương (32 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM, quê ở H.Lang Chánh, Thanh Hóa) cho biết: "Vào làm việc tại TP.HCM suốt 12 năm, tôi cảm nhận năm vừa qua là kinh tế khó khăn nhất. Sau một năm làm việc, tôi chẳng tiết kiệm được khoản nào, nên đã gọi điện về quê nói với mẹ là tết này không về, viện lý do bận công việc xuyên tết".

Một bộ phận người trẻ nghĩ phải có tiền để biếu bố mẹ, lo cho gia đình thì mới… dám về quê đón tết. Để rồi khi không đạt được mục tiêu đó, họ chần chừ, nấn ná rồi chọn phương án ở lại thành phố suốt những ngày tết.

Chuyện kẻ ở lại, người về quê dịp tết...- Ảnh 1.

Dù trải qua một năm thành công hay thất bại trong học tập, công việc, thì cũng nên về quê đón tết cùng gia đình, người thân

THANH NAM

Nhưng điều ấy trái ngược với suy nghĩ của những người làm cha làm mẹ. Ông Nguyễn Tiến Hữu, ngụ H.Giồng Riềng, Kiên Giang, cho hay: "Tết, tôi và vợ chỉ mong các con về nhà. Dù con làm ăn thành công hay thất bại cũng chỉ mong con về đón tết cùng gia đình". Cũng theo ông Hữu: "Người lớn đâu có cần con cái phải về nhà với quà cáp lỉnh kỉnh. Như vợ chồng tôi chỉ cần thấy con về nhà là vui lắm rồi". Ông Hữu cho biết ông có 4 người con đang mưu sinh ở TP.HCM.

Nghệ sĩ Trường Giang chia sẻ: "Đôi khi chúng ta phải ngồi nhìn lại. Thời gian của người lớn ít dần theo từng ngày, cần phải quý trọng nó. Không phải với riêng tôi mà là với tất cả mọi người, tết là dịp đoàn viên, để gia đình sum vầy với nhau. Cho dù một năm có trải qua nhiều khó khăn như thế nào thì gia đình vẫn phải về với nhau, quây quần trong ngày đầu năm mới. Quan trọng là những người con, người cháu đi xa nhà phải trở về. Có thể mình không có nhiều tiền, mình không đạt được nhiều kỳ vọng, nhưng việc được ở bên nhau trong những ngày tết mới chính là điều quan trọng nhất".

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tâm Thương, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng mọi người đừng tự tạo áp lực cho bản thân với những suy nghĩ như: phải có tiền mới về quê đón tết, chỉ về quê dịp tết nếu có tiền để biếu bố mẹ… "Những suy nghĩ ấy chứng tỏ người trẻ có tấm lòng hiếu thảo, biết nghĩ, có trách nhiệm và quan tâm đến đấng sinh thành. Tuy nhiên, nếu chẳng may không suôn sẻ trong công việc, cũng đừng vì thế mà không về quê. Bởi tâm lý của bố mẹ không cần con cái mang biếu tiền bạc, quà cáp, mà chỉ cần thấy con khỏe mạnh, cháu lớn khôn. Dù tiền nhiều nhưng vắng con cháu thì cũng chẳng thể có được cái tết vui".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.