Trong không gian tưởng niệm ấy, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế thay mặt giới văn nghệ sĩ lên phát biểu tri ân nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc xúc động: "Những ngày qua, văn nghệ sĩ Huế đã chuẩn bị để đón hai vợ chồng thi nhân trở về yên 'ngủ dưới khung trời cỏ hoa' với cả tấm lòng yêu kính. Không gian dừng chân của đôi thi nhân trước ngày biệt ly thật thoáng đãng, đầy hoa và mắt cười thân thiện...
Vượt lên tất cả, chữ tình vẫn là điều lớn lao nhất khiến chúng ta ngồi với nhau đêm nay, để nhắc lại những câu chuyện văn chương, những câu chuyện nhân bản, nhắc lại những kỷ niệm sương khói với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Với tất cả tình cảm kính trọng và trìu mến, trong 'đêm tưởng nhớ' mà chúng ta cùng tham dự hôm nay, xin được gác lại mọi chuyện để dành không gian cho thơ và nhạc, để nghe lại một số tác phẩm tuyệt vời của hai vợ chồng thi nhân, nghe tâm sự của một số bạn bè đồng trang lứa, của những người thuộc thế hệ sau...".
Tiếp nối là phần diễn ngâm đầy cảm xúc của các nghệ sĩ dành cho những thi phẩm của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhà văn chân thành với cuộc chiến của dân tộc
Trong đêm tưởng nhớ vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư đã có những lời tri ân, tiễn biệt người anh, người bạn đầy xúc động.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhớ lại: "Những năm chúng tôi cùng sống ở chiến trường, anh (nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) là một người rất giản dị và chân thành. Anh cùng chúng tôi đi hái rau rừng, có những ngày mưa rừng làm ướt sũng; hay những ngày anh đi nương rẫy, tuy người yếu nhưng rất chịu khó cùi cõng như mọi người. Tôi nhớ nhất lần chuyển cơ quan, anh được các chị nuôi giao cho cái xoong rất to, gùi trên lưng để đi...
Đó là một con người rất chân thành với cuộc chiến của tất cả mọi người".
Hồi ức về những năm tháng trên chiến trường, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhớ như in sau sự kiện chiến thắng 26 ngày đêm (năm 1968), lúc đó, địch phản kích điên cuồng, lực lượng giải phóng bị đẩy từ đông Trường Sơn qua tây Trường Sơn, tất cả phải trở về tây Trường Sơn, trong đó có ông và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Lúc bấy giờ, mọi người đến cơ quan Tuyên huấn của quân khu, tham dự một trại viết rất quan trọng. Tại đây, những nhà thơ, nhà văn trẻ được phân công viết lại chiến thắng Mậu Thân, sự kiện đó cũng đánh dấu những tác phẩm đầu tiên của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
"Anh Tường được phân công viết về mặt trận ở cột cờ và ký sự Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu ra đời, tôi được phân công viết về cửa Đông Ba và đầu đề của tác phẩm là Cửa thép… Trại viết đó kéo dài 1 tháng, chúng tôi đã có những tác phẩm đầu tiên phục vụ cho kháng chiến", nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hồi tưởng.
Và trong buổi chia tay, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã đọc bài thơ Tiễn bạn cuối mùa đông trên chiến trường, được viết cách đây hơn 50 năm:
"Tiễn bạn về vùng sâu
Mùa xuân vừa kịp đến
Rừng sâu hoa đẹp hiếm
Xin vui trong tiếng chào
Cầm tay nhau bịn rịn
Gió xuân lùa trước sau...
Hẳn người còn thương nhớ
Một chóp núi biên thùy
Nhiều mưa và ít nắng
Bom rung tàn lửa khuya
Những trang đời, trang viết
Nặng nghĩa đời sau, xưa
Hẳn người đang nhìn thấy
Qua ngàn núi ngàn mây
Quê hương mình lớn dậy
Mùa xuân nở thêm ngày
Ôi quê hương ta đấy
Gọi ta về sáng nay
Ôi thành phố yêu thương
Ta xa người thế nớ
Những đêm dài trăn trở
Ai gọi ta lên đường?
Vết bùn tràn dặm cỏ
Ai đang ra chiến trường?
Không được đi một lần
Tôi xin cùng non nước
Những suối nào theo chân
Qua A Nhâm, A Đớt
Cho lòng tôi đến trước
Làm bông hoa trắng ngần
Là mùa xuân ở đó
Là tình yêu văn chương
Là lộ tiêu chiến đấu
Là dấu về quê hương...
Tiễn bạn ngày cuối đông
Tôi về trong nắng chói
Trên vai ngàn đồng đội
Mang mùa xuân đi cùng
Mang ngày về thắng lợi
Hóa trời xanh mênh mông..."
Bình luận (0)