Shintaro Yamada từng bỏ việc, lang thang trong những phòng nghỉ giá 5 USD/đêm, nhưng hiện nay đang là ngọn cờ đầu cho giới khởi nghiệp (startup) tại Nhật Bản.
Shintaro Yamada, nhà sáng lập và CEO của Mercari, công ty khởi nghiệp đầu tiên của Nhật Bản chạm mốc giá trị 1 tỉ USD - Ảnh: Bloomberg |
Tháng 3.2016 ghi nhận một bước ngoặt trong sự phát triển của Mercari. Ứng dụng cho phép người dùng mua bán vật phẩm trực tuyến này tăng thêm 8,4 tỉ yen (74 triệu USD) từ các nhà đầu tư, qua đó trở thành công ty khởi nghiệp đầu tiên của Nhật Bản có giá trị chạm mốc 1 tỉ USD.
Buông tay để nắm lấy cơ hội
Chỉ mất 4 năm để Shintaro Yamada, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của Mercari mang mác “1 tỉ” với xuất phát điểm là những phòng nghỉ giá 5 USD mỗi đêm, Bloomberg cho biết trong một phóng sự ngày 18.3.
Giao diện của Mercari. Ông Yamada đã thành công với việc đánh hẳn vào thị trường di động và tận dụng mọi thế mạnh từ mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình Mercari.com
|
Năm 2012, Yamada ở tuổi 34 đã có một công việc thoải mái ở Tokyo. Thế nhưng ông cảm thấy chán ngán và quyết định bỏ ngang, đi loanh quanh thế giới để mở mang đầu óc.
Trong 6 tháng với 23 nước khác nhau, Yamada đi du lịch “bụi” đúng nghĩa với một hành trình giá rẻ. Trú lại những phòng nghỉ bèo nhèo, di chuyển bằng xe máy thuê và bắt xe buýt, Yamada xuyên qua từ Bolivia, sa mạc Sahara đến quần đảo Galapagos.
Chuyến đi này gợi cho Yamada một thực tế rằng ngay cả những ngôi làng nghèo nàn nhất vẫn xuất hiện điện thoại thông minh và kèm theo nó dĩ nhiên là mong muốn được kết nối rộng rãi với thế giới bên ngoài. Từ đây, ý tưởng kết nối nhu cầu của tất cả mọi người hình thành trong đầu Yamada.
“Nó khiến đầu óc tôi mở mang, khiến tôi muốn làm điều gì đó hữu ích cho bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tôi bắt đầu suy nghĩ về một nền tảng cho phép mọi người trao đổi tiền bạc, vật dụng, dịch vụ bằng cách sử dụng điện thoại thông minh”, Yamada nói với Bloomberg.
Và trong năm 2013, Yamada đã cùng hai người khác sáng lập Mercari, một trang web cho phép người dùng đăng ảnh bán hàng trực tuyến hàng đầu nước Nhật và đang tấn công mạnh mẽ vào thị trường Mỹ.
Tìm thấy và khẳng định chính mình
Giữa lúc hai chữ “khởi nghiệp” bùng nổ toàn cầu, Yamada có thể tự hào là người tiên phong trong việc vực dậy khái niệm này tại Nhật Bản, nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới.
Thật ngạc nhiên khi giới trẻ Nhật Bản rất yếu về khởi nghiệp. Theo quan sát của Yamada, đa phần người Nhật hài lòng với công việc của họ, hoặc chí ít chú trọng sự ổn định hơn là mạo hiểm đầu tư, tự sáng lập một thứ gì đó.
Điều này chứng minh qua việc trên thế giới hiện nay có 155 công ty được gọi là unicorn, tức khái niệm chỉ những công ty khởi nghiệp có giá trị đạt mốc 1 tỉ USD. Trong đó, riêng Mỹ đã có 92 công ty “unicorn”, Trung Quốc có 25, Ấn Độ có 7, theo thống kê của công ty tư vấn và thông tin về dữ liệu vốn CB Insights.
Trên thực tế Nhật Bản chính là một thiên đường khởi nghiệp. Bloomberg cho biết sàn giao dịch TSE Mothers chỉ yêu cầu 10 triệu USD vốn và không hề đòi hỏi các điều kiện tiên quyết nào về doanh thu. Để so sánh, muốn “lên sàn” ở Nasdaq, các công ty phải có ít nhất 50 triệu USD vốn hoặc lợi nhuận bình quân đạt 750.000 USD.
Sau khi lọt vào hàng "unicorn", tham vọng của Mercari và Yamada là đương đầu với những ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến như Amazon - Ảnh: Bloomberg
|
Điều này khiến nhiều công ty khởi nghiệp Nhật Bản nhanh chóng phát triển trước ngưỡng 1 tỉ USD, nhưng không công ty nào đủ năng lực vươn lên như Mercari. Yamada quyết tâm chọn con đường khác biệt ở Nhật để tìm kiếm thành công và ít nhất ông không hối hận về điều đó.
Học toán tại Đại học Waseda, một trường nổi tiếng nơi sinh viên tốt nghiệp thường làm trong các ngân hàng lớn hoặc công ty danh tiếng hàng đầu đất nước. Mặc dù vậy, Yamada đã học việc tại Rakuten, một công ty thương mại điện tử ít danh tiếng vào thời điểm ấy nhưng hiện nay đã thành một gã khổng lồ với giá trị 14 tỉ USD.
Ông không ở lại Rakuten, thay vào đó đã sáng lập Unoh, một công ty về game, sau đó phiêu lưu với lĩnh vực game trong một thời gian trước lúc lao vào cuộc phiêu lưu 6 tháng khắp nơi, để hình thành ý tưởng tạo ra Mercari.
Ở lĩnh vực của mình, Mercari dĩ nhiên phải đương đầu với những gã khổng lồ thương mại điện tử ở Mỹ như Amazon và eBay. Sau thời gian đầu ì ạch, ứng dụng Mercari nay đã có những bước tiến rất đáng kể với hơn 32 triệu lượt tải, tạo ra 10 tỉ yen giao dịch mỗi tháng. Trong tháng 2 vừa qua, Mercuri cũng đã lọt vào top 10 ứng dụng trên App Store của Apple.
Một cuộc chiến không cân sức với Amazon và eBay chăng? Ít nhất Yamada không hề có suy nghĩ mềm yếu như vậy.
“Nếu không phải chúng tôi, thì người khác cũng tấn công thị trường Mỹ và thậm chí chúng tôi cũng sẽ phải đối mặt với điều đó ở Nhật Bản. Đây là trường hợp cho thấy tấn công chính là cách phòng ngự tốt nhất”, doanh nhân 38 tuổi khẳng định.
Bình luận (0)