Chuyện không bao giờ quên của thầy giáo khuyên học sinh vào tù

10/11/2018 10:57 GMT+7

Đó là câu chuyện của thầy giáo Trần Kiêm Ngẫu (49 tuổi), Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Hương Vân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), người đã khuyên học sinh định bỏ trốn nên chấp hành phán quyết của tòa án.

Thầy giáo 24 năm đeo khăn quàng đỏ
Thầy Trần Kiêm Ngẫu hiện là giáo viên Trường tiểu học Hương Vân, thị xã Hương Trà. 26 năm làm giáo viên tiểu học, thầy đã có 24 năm là Tổng phụ trách Đội, cuộc đời và sự nghiệp gần như gắn liền với công tác Đội. Chính từ công tác này đã giúp thầy có cơ hội cảm hóa những học trò của mình và có một câu chuyện mà thầy không bao giờ quên được.
“Cách đây 18 năm, vào thời điểm ấy, tôi đã có 4 năm với vai trò là "Người giáo viên mang khăn quàng đỏ". Dù công việc phụ trách Đội vất vả nhưng tôi đã dành hết tình yêu thương cho học sinh. Và tôi đã nhận lại được gần như trọn vẹn niềm tin và tình cảm quý mến từ các em. Minh chứng là hình ảnh của cậu bé Lộc (tên đầy đủ là Trần Đình Lộc)”, thầy Ngẫu bắt đầu câu chuyện của mình.
Thầy Ngẫu kể, Lộc sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà ván đã ủ mục nằm trên đồi cát thuộc thôn Thái Dương Hạ, xã Hải Dương. Nhà quá nghèo, mẹ lâm bệnh nặng, chén cơm, bát canh hàng ngày chỉ trông chờ vào nghề đánh cá thuê của bố. Lên 8 tuổi, Lộc mới được vào học lớp 1.
“Tôi bắt đầu tiếp cận với hoàn cảnh của Lộc là năm 1994, năm ấy Lộc đã học lên lớp 3, sức học chỉ trung bình nhưng được cái thật thà, ít nói và hiền lành. Năm Lộc lên lớp 5 thì mẹ qua đời. Hoàn cảnh đã khó, gia đình Lộc ngày thêm khốn cùng. Ba của Lộc rơi vào cảnh “gà trống nuôi con”. Những đêm khuya, những ngày nghỉ học, Lộc phải theo ba ra biển câu thêm con tôm, con cá để kiếm tiền ăn học và nuôi em nhỏ. Trong những năm ấy, đã nhiều lần Lộc có ý định bỏ học, tôi thường xuyên đến nhà Lộc để động viên và giúp đỡ cho em với tất cả những gì mình có thể”, thầy Ngẫu nhớ lại.
“Lộc học lên cấp 2, tôi vẫn sát kề bên em cho đến năm em học xong lớp 7. Đầu năm học lớp 8 thì ba Lộc bị tai nạn trong một vụ đào giếng thuê cho nhà hàng xóm phải nằm viện dài ngày. Kinh tế gia đình Lộc thực sự không còn đủ sức để anh em Lộc cắp sách đến trường… Lộc bỏ học hẳn. Lúc ấy, tôi không còn cách nào khác, phải đành lòng chấp nhận cùng em”, thầy Ngẫu bùi ngùi.
Thầy Ngẫu hăng say "truyền lửa" cho các thế hệ học trò Ảnh nhân vật cung cấp
Khuyên học sinh đi trại cải tạo 
Tuy không còn dạy Lộc nhưng thầy Ngẫu vẫn thường xuyên hỏi han và động viên em vượt qua những gian truân trong cuộc sống. Thế rồi, một buổi sáng của ngày đầu năm âm lịch (năm 2000), thầy Ngẫu đột nhiên nghe tin báo Lộc đã trở thành phạm nhân chỉ vì xích mích nhỏ tại một quán cà phê ở ngay trong làng. Lộc đã gây thương tích cho một người và bị kết án 1,5 năm đi trại cải tạo. Lúc ấy Lộc đã hơn 16 tuổi.
“Đêm hôm ấy, trời khá khuya, tôi đang soạn giáo án thì hai cha con Lộc xuất hiện trước cửa phòng. Sau lời chào, ông Cần (ba Lộc) cất tiếng nói khẽ: “Thưa thầy, anh đưa cháu Lộc đến thăm thầy để khuya nay cháu Lộc đi!”. Tôi đang xúc động trước hình ảnh của một đứa học trò cũ, tôi định có đôi lời an ủi Lộc trước khi em vào trại thì ông Cần nói tiếp: “Cháu Lộc trốn đi Nam thầy ạ”. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao lại không phải là trại cải tạo mà lại vào Nam. Ông Cần nghẹn ngào nói: “Anh chỉ có một mình nó là con trai, nó còn quá nhỏ, nó đi cải tạo, nó bệnh, nó chết, anh mất con, mà nó không chết anh cũng không có của để cơm đùm gạo bọc cho nó, thầy ạ”, thầy Ngẫu nhớ lại.
Thầy Ngẫu kể tiếp: “Tôi pha trà mời hai cha con Lộc uống rồi bắt đầu phân trần để ông Cần và em Lộc được hiểu, rằng đi cải tạo là để đưa những người phạm pháp vào môi trường giáo dục tốt, ở đó vẫn được chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc y tế, được học tập pháp luật, … chứ sao lại bệnh, lại chết?. Hơn nữa, nếu chịu khó một năm rưỡi là trở lại cuộc sống đời thường, còn nếu trốn đi Nam là phải mang suốt đời với một án tội nặng hơn… Sau một hồi lắng nghe, hai cha con ông Cần hầu như đã hiểu và đồng nhất quan điểm cùng tôi”.
Hơn một năm sau, cũng vào một đêm tối như bưng, thầy Ngẫu nghe thấy tiếng gõ. “Tôi gấp tập giáo án, đứng lên ra mở cửa, vẫn là Lộc nhưng lại cao, to, đẹp trai lại trắng hẳn ra nữa, tôi nhận ra trên vai cậu ta đang mang một chiếc ba lô xẹp. Chưa kịp chào thì Lộc đã nhảy ùa vào ôm chặt lấy tôi nói: “Thầy, em được ra trại rồi thầy, em cảm ơn thầy!”.
Và sau đó hai thầy trò chỉ biết ôm nhau và khóc như con trẻ. Hai thầy trò ngồi nói chuyện khá lâu. “Lộc kể cho tôi nghe cuộc sống và công việc của em hơn một năm trong trại cải tạo ra sao, nhiều chuyện khác nữa nhưng điều làm cho tôi vừa vui sướng, vừa xúc động nhất là khi em nói: “Em có khá nhiều thầy cô dạy em, đặc biệt là thầy cô chủ nhiệm lớp nhưng ở đâu, khi nào em vẫn nhớ và cảm thấy mang ơn thầy nhiều nhất vì chính thầy đã thắp cho em một ngọn lửa sống, giúp em vượt qua tất cả để trở lại với con người chín chắn”.
Kể lại câu chuyện này trong dịp được Hội đồng Đội T.Ư trao giải thưởng Cánh én hồng nhằm vinh danh những Tổng phụ trách Đội xuất sắc năm 2018, thầy giáo Trần Kim Ngẫu không khỏi xúc động bùi ngùi. Thầy Ngẫu chia sẻ: “Không ai khác, chính Lộc và các em đội viên đã giúp tôi thấy được chiếc khăn quàng trên vai người Phụ trách Đội có ý nghĩa lớn lao như thế nào. Có lẽ đến bây giờ tuy tuổi không còn thích hợp với vai trò của một Tổng phụ trách Đội, nhưng tôi vẫn yêu chiếc khăn quàng, yêu cái “nghề” Phụ trách Đội”.
9 lần được T.Ư Đoàn và Hội đồng Đội tuyên dương
Hôm nay, 10.11, thầy giáo Trần Kim Ngẫu là 1 trong 10 người Tổng phụ trách Đội xuất sắc toàn quốc được tặng giải thưởng Cánh én hồng của Hội đồng Đội T.Ư. Với những đóng góp của mình trong công tác Đội và sự nghiệp trồng người, thầy Trần Kim Ngẫu đã 9 lần được T.Ư Đoàn và Hội đồng Đội T.Ư khen thưởng; 15 lần được Tỉnh Đoàn và Hội đồng Đội tỉnh khen thưởng; 5 lần đạt danh hiệu Giáo viên - Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh và rất nhiều lần được ngành giáo dục tuyên dương, nhận nhiều danh hiệu cao quý khác. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.