Ca bệnh kỳ lạ này được công bố trên chuyên san AGC Case Reports Journal. Danh tính bệnh nhân không được tiết lộ, chỉ biết đó là một người đàn ông 59 tuổi, theo Oddity Central.
Ông đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe ruột già xem có bị tổn thương hay khối u gì hay không. Các chuyên gia khuyến cáo người trên 45 tuổi nên thường xuyên kiểm tra ruột già để phát hiện sớm nếu không may mắc ung thư.
Tuy nhiên, thay vì phát hiện có tổn thương hay khối u, bác sĩ lại thấy một con bọ rùa trong ruột già người đàn ông. Con bọ vẫn còn sống và bò bên trong ruột.
Người đàn ông không biết tại sao con bọ rùa lại có thể xuất hiện ở trực tràng mình. Tuy nhiên, các bác sĩ nghi ngờ có thể con bọ rùa đã chui vào miệng khi ông đang ngủ, sau đó đi qua hệ tiêu hóa.
Thông thường, điều này là không thể xảy ra vì con bọ rùa sẽ bị a xít dạ dày tiêu hóa. Thế nhưng, nguyên nhân giúp nó vẫn còn sống có thể do quá trình chuẩn bị nội soi ruột già của người đàn ông.
Để quá trình nội sôi dễ dàng và bác sĩ có thể quan sát rõ lớp niêm mạc ruột thì ruột già phải trống và sạch nhất có thể. Do đó, người đàn ông phải hạn chế ăn uống và dùng thuốc nhuận tràng để tống hết chất thải ra ngoài.
Ông được cho uống một hỗn hợp trong đó có chứa thuốc nhuận tràng polyethylene glycol. Đây là loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu thường được dùng để trị táo bón. Vào buổi tối trước ngày nội soi, ông đã uống đến 3,7 lít nước có thuốc nhuận tràng polyethylene glycol.
Các bác sĩ tin rằng chính vì dùng thuốc này mà mọi thứ có thể được đẩy rất nhanh qua đường tiêu hóa, xuống đến trực tràng, nhờ vậy mà con bọ rùa vẫn có thể sống sót.
“Quá trình chuẩn bị nội soi của ông ấy có thể đã giúp con bọ rùa không bị enzym trong dạ dày và phần trên ruột non tiêu hóa”, các tác giả chia sẻ trong bài viết.
Con bọ rùa sau đó đã được các bác sĩ lấy ra khỏi trực tràng bệnh nhân. Nó được xác định là bọ rùa giống Harmonia axyridis, theo Oddity Central.
Bình luận (0)