Ít nhất 130 phóng viên nước ngoài đã có dịp đến thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, nước được xem là bí ẩn nhất thế giới, để đưa tin về đại hội đảng Lao động Triều Tiên (diễn ra từ ngày 6 đến 9.5).
Các phóng viên kể rằng họ luôn phải sinh hoạt, tác nghiệp dưới sự giám sát chặt chẽ của một đội ngũ chuyên trách việc này. Thế nhưng vẫn có những thông tin khá thú vị qua chuyến thăm ngắn ngủi và ít nhiều không được tự do đi lại ấy, phóng viên Bloomberg trong bài viết ngày 9.5 cho biết.
Báo chí phương Tây vẫn hay lên án Triều Tiên về việc hạn chế tự do đi lại nhằm che giấu thông tin tiêu cực, như Bloomberg cho rằng một trong số những người giám sát đã nói với họ.
|
Thế nhưng có một lý do khác hợp lý hơn nhiều: Phóng viên bị hạn chế tự do đi lại, vì nhà chức trách lo ngại tâm lý thù địch của người dân Triều Tiên với Mỹ sẽ có nguy cơ dẫn tới nhiều hậu quả khó lường. Đây cũng là chi tiết xác thực, ít nhất qua một người dân Triều Tiên đang làm công nhân trong một nhà máy điện tên Om Myong-chin, 57 tuổi. Ông nói: “Nếu chính phủ Mỹ ngừng chính sách thù địch với đất nước chúng tôi, mối quan hệ giữa hai bên sẽ cải thiện theo thời gian”.
Có một số nguyên tắc tại Triều Tiên không phải ai cũng biết. Ví dụ, báo chí phương Tây thường gọi CHDCND Triều Tiên là North Korea, còn Hàn Quốc là South Korea. Cách gọi này không được chấp nhận ở Triều Tiên.
Người Triều Tiên muốn được gọi tên nước mình đầy đủ là CHDCND Triều Tiên, hoặc viết tắt theo tiếng Anh là DPR Korea hay DPRK. Ngoài ra, bạn sẽ bị cho là xúc phạm sâu sắc tới Triều Tiên nếu gọi họ là “vương quốc ẩn dật” theo cách nói của truyền thông Mỹ, một giám sát viên nói với Bloomberg.
Năm điều cần biết về đại hội đảng của Triều Tiên
Tại sao phải sau 36 năm Triều Tiên mới tổ chức đại hội đảng? Vai trò của lãnh đạo Kim Jong-un tới đây là gì? Ai là những nhân vật đáng chú ý nhất trong sự kiện này?
Ngược lại đối với Hàn Quốc, phía Triều Tiên bỏ đi chữ in hoa trong phần “South”, chỉ gọi là “south Korea”, tức đơn thuần “phía nam Triều Tiên”, chứ không phải “South Korea” (Nam Triều Tiên - tức Hàn Quốc).
Để đề cập tới các lãnh đạo Triều Tiên, nơi đây cũng có những nguyên tắc. Cố chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) thường được gọi là Chủ tịch trọn đời, “Chủ tịch bất diệt” hoặc “Lãnh tụ vĩ đại”. Trong khi đó cố lãnh đạo Kim Jong-il được gọi là “Chủ tịch”, hoặc “Lãnh đạo kính yêu”. Với đương kim lãnh đạo Kim Jong-un, người dân gọi ông là “Lãnh đạo tối cao” hoặc “Lãnh đạo kính mến”.
Một vài chi tiết nữa cũng chứng tỏ người Triều Tiên luôn phải rất chừng mực trong tên gọi. Ví dụ các quan chức nước này thường đeo một phù hiệu nhỏ bên ngực trái, có hình gương mặt của hai cố lãnh đạo Kim Il-sung và Kim Jong-il. Phóng viên phương Tây bị nhắc là không được dùng chữ “cái kẹp” hay “cái ghim”, mà phải dùng từ “phù hiệu” để nói về nó.
|
Đây lần đầu tiên sau 36 năm Triều Tiên tổ chức đại hội đảng. Trước đó truyền thông nước ngoài cho rằng việc tổ chức đại hội này là cách để lãnh đạo Kim Jong-un chứng tỏ kinh tế của Triều Tiên đã vững mạnh, ổn định, bất chấp những khó khăn về lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc.
Một câu chuyện vui cũng được Bloomberg kể lại qua những điếu thuốc lá. Phóng viên tranh thủ lấy lòng người giám sát bằng cách mời hút thuốc. Tuy nhiên họ nhận ra mình đã sai lầm khi mời thuốc lá hiệu Marlboro màu đỏ xuất xứ Trung Quốc.
Lập tức người giám sát nói ngay: “Đây chỉ là hàng Trung Quốc miễn thuế”, rồi khẳng định ông ta chỉ dùng hàng... xịn từ Mỹ và Mexico, sau đó rút trong túi ra một bao thuốc Sobranie hạng sang có xuất xứ từ nước Anh!
Bình luận (0)