Ấp Hòa Tây B (xã Phú Thuận, H.Thoại Sơn, An Giang) tồn tại hơn 40
năm qua lại nằm lọt thỏm trong địa bàn H.Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ), gây
biết bao phiền toái cho người dân và cả cơ quan quản lý.
Khu vực chợ Phú Thuận chỉ dài khoảng hơn 1,2 km nằm trên đất H.Vĩnh Thạnh
Ảnh: Mai Trâm
|
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ấp Hòa Tây B nằm trên đoạn QL80 tiếp giáp giữa H.Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) và H.Tân Hiệp (Kiên Giang) dài khoảng 1,2 km, sâu vào phía trong QL khoảng 600 m. Đầu ấp tiếp giáp với ấp Vĩnh Thành (xã Vĩnh Trinh, H.Vĩnh Thạnh) và cuối ấp tiếp giáp ấp Qui Long (xã Thạnh Mỹ, H.Vĩnh Thạnh), phía sau lại là địa giới hành chính của một xã khác thuộc H.Vĩnh Thạnh.
“Khu đèn đỏ”
Ấp Hòa Tây B có khoảng 285 hộ dân với 1.000 nhân khẩu. Theo người dân sống tại khu vực giáp ranh, do ấp Hòa Tây B nằm cặp 2 bên QL80 nên từ lâu nổi danh là “khu đèn đỏ”, “đoạn đường bao cao su” còn nay là “khu đèn chớp”. Bởi nơi đây một thời có hàng chục quán cà phê mại dâm mà bất cứ cánh lái xe nào từng đi qua tuyến QL80 đều biết. Các cô gái sẵn sàng tiếp, phục vụ khách ngay phía sau quán với “giá rẻ bất ngờ” chỉ từ 150.000 - 200.000 đồng/lần đi khách.
Do đặc thù địa giới hành chính nên chính quyền H.Vĩnh Thạnh phải “bó tay” với tệ nạn mại dâm và mua bán ma túy. Các quán cà phê mại dâm phần lớn nằm cặp bờ sông Cái Sắn của tuyến QL80 (phía bên này thuộc H.Vĩnh Thạnh, bờ bên kia thuộc H.Thoại Sơn), nên chính quyền H.Vĩnh Thạnh không thể kiểm tra hành chính các quán trên địa bàn H.Thoại Sơn.
Nếu bị phát hiện các cô gái bán dâm chỉ cần nhảy xuống sông lội qua bờ bên kia thuộc địa bàn H.Thoại Sơn là thoát. Ngược lại, nếu chính quyền H.Thoại Sơn kiểm tra, bị phát hiện thì các cô gái mại dâm chỉ cần bỏ chạy qua xã giáp ranh của H.Vĩnh Thạnh thì coi như xong.
Trước tình hình trên, từ năm 2005, Công an H.Vĩnh Thạnh và Công an H.Thoại Sơn đã ký kết quy chế phối hợp để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, trao đổi thông tin, phối hợp nghiệp vụ. Biện pháp này giúp tình hình mại dâm, ma túy khu vực lắng xuống nhưng vẫn chưa thể triệt xóa vì địa giới chồng lấn.
Theo lãnh đạo Công an H.Vĩnh Thạnh, bên cạnh việc buộc phải phối hợp đảm bảo an ninh trật tự thì vấn đề xử lý các vụ tai nạn giao thông đến nay vẫn chưa thể giải quyết được. Nếu tai nạn xảy ra trên địa phận ấp Hòa Tây B thì Công an H.Vĩnh Thạnh không thể đến hiện trường khám nghiệm được, vì đó là chức năng của Công an H.Thoại Sơn. Những vụ tai nạn nghiêm trọng, có người tử vong nằm trên đường, gây ùn tắc giao thông trên tuyến QL80 thì lực CSGT Công an H.Vĩnh Thạnh phải đến bảo vệ hiện trường, giải tỏa ùn tắc để chờ… Công an H.Thoại Sơn. Mà Công an H.Thoại Sơn muốn đến khám nghiệm hiện trường phải mất hơn 1 giờ vì xa và đường sông cách trở.
“Còn việc giải quyết tình hình an ninh trật tự như nhậu xong quậy phá, đánh nhau... thì chỉ có Công an xã Vĩnh Trinh đến giải quyết, bởi chờ lực lượng Công an xã Phú Thuận đến thì không biết hậu quả sẽ như thế nào”, một lãnh đạo Công an H.Vĩnh Thạnh chia sẻ.
Ở quốc lộ nhưng phải qua đò về huyện
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Sáng (65 tuổi, ngụ bên bờ sông Cái Sắn, xã Phú Thuận), sống tại đây từ sau ngày 30.4.1975, cho biết ông cũng không hiểu vì sao địa giới hành chính tại đây lại nằm trong thế “cài răng lược” như vậy. Ông có nghe người cao niên nói trước giải phóng, H.Thốt Nốt thuộc An Giang, sau giải phóng lại sáp nhập vào Hậu Giang (cũ). Còn việc ấp Hòa Tây B nằm “lọt thỏm” giữa địa giới hành chính của 2 xã thuộc H.Vĩnh Thạnh là do trước đây bản đồ địa giới hành chính của H.Thoại Sơn (trước đây là H.Châu Thành) có hình cánh buồm và ấp Hòa Tây B là đầu cánh buồm nên chính quyền An Giang đã giữ lại xem như địa giới hành chính của tỉnh cho đến ngày hôm nay.
Theo lãnh đạo UBND H.Vĩnh Thạnh, do tình hình an ninh trật tự trên vùng “chồng lấn” khá phức tạp nên từ năm 2010, trong nhiều kỳ họp HĐND và thông qua các đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị các ngành chức năng cho tách ấp Hòa Tây B đưa về H.Vĩnh Thạnh để dễ quản lý, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Còn ông Huỳnh Văn Mạnh, Phó trưởng ấp Hòa Tây B, cho biết người dân sống trong ấp muốn làm thủ tục hành chính phải qua bến đò sang sông, đi xe máy đến UBND xã gần 4 km; muốn lên tới huyện phải đi thêm hơn
20 km nữa gây rất nhiều khó khăn. Trong khi từ ấp đến UBND xã Vĩnh Trinh chưa đầy 500 m, tới H.Vĩnh Thạnh chỉ hơn 7 km lại đi theo tuyến QL80 rất thuận lợi. Cũng theo ông Mạnh, điều mà nhiều người không thể hình dung là sống trên đất H.Vĩnh Thạnh mà hộ khẩu thì tại H.Thoại Sơn, sử dụng điện, nước, truyền hình internet, cơ sở hạ tầng... thì do các dịch vụ của TP.Cần Thơ cung cấp. Chỉ có thuế là đóng cho H.Thoại Sơn.
“Hiện nay vẫn còn nhiều người các tỉnh khác thắc mắc khi giao dịch mua bán có địa chỉ nhà tại H.Thoại Sơn thì số điện thoại mã vùng phải là 076 (An Giang) nhưng lại sử dụng mã vùng số điện thoại là 071 (Cần Thơ) nên đành phải giải thích để họ hiểu. Còn xe máy thì biển số là 67 chứ không phải 65 của Cần Thơ”, bà Trần Thị Bảy, một tiểu thương tại chợ Hòa Tây B, chia sẻ thêm.
Bình luận (0)