Con chim hạc cao lớn này hiện vẫn đang được lưu giữ, bảo quản trong tủ kính tại đền thờ Thục Phán An Dương Vương (còn gọi là đền Cuông vì núi này từng có nhiều chim công) ở xã Diễn Trung, H.Diễn Châu, Nghệ An. Câu chuyện hạc trắng bay về đúng ngày lễ hội, ở lại, chết tại đây và cá voi dạt vào bờ biển vào đúng ngày lễ hội của năm sau đó đã thành câu chuyện đầy huyền bí ở đền Cuông.
Nơi An Dương Vương tuẫn tiết
Theo sử sách và truyền thuyết, năm 208 trước Công nguyên, Triệu Đà muốn đánh Âu Lạc nên đã cho con trai là Trọng Thủy làm nội gián, sang kết duyên với công chúa Mỵ Châu, con gái Thục Phán An Dương Vương.
Đền thờ An Dương Vương |
k.hoan |
Sau khi nắm bắt được bí mật quân sự của An Dương Vương thông qua con trai, Triệu Đà bất ngờ đem quân tấn công, buộc An Dương Vương phải rút lui về phía nam.
An Dương Vương đưa con gái là Mỵ Châu lên ngựa chạy về phương nam. Khi chạy đến khu vực Cửa Hiền, phía bắc núi Mộ Dạ thuộc xã Diễn Trung, H.Diễn Châu, Nghệ An ngày nay, bị giặc đuổi sát sau lưng, An Dương Vương đã tuẫn tiết cùng con gái.
Nhân dân Diễn Châu sau đó lập đền thờ trên núi Mộ Dạ và hằng năm tổ chức lễ hội để tưởng nhớ An Dương Vương. Trên ngọn núi này, nhân dân địa phương cũng lập miếu thờ công chúa Mỵ Châu và thần Kim Quy.
Miếu thờ thần Kim Quy và công chúa Mỵ Châu trên núi Mộ Dạ |
k.hoan |
Cổng vào đền thờ An Dương Vương |
k.hoan |
Đền thờ Thục Phán An Dương Vương từ lâu đã trở thành nơi thờ tự linh thiêng, thu hút rất đông người đến viếng, cầu an, nhất là dịp tết Nguyên đán. Đặc biệt, câu chuyện chim hạc bay về và cá voi dạt vào bờ biển đúng vào ngày lễ hội đền thờ An Dương Vương là sự trùng hợp đầy bí ẩn khiến cho ngôi đền này càng thêm huyền bí.
Chim hạc kỳ lạ
Ông Cao Văn Lương, một người phục vụ tại đền An Dương Vương, kể lại rằng năm 1995, khi hàng ngàn người đang vây quanh để theo dõi màn cưỡi ngựa diễu hành trong ngày khai hội đền thì bất ngờ có một con chim hạc trắng rất lớn bay đến, hạ cánh xuống một người tàn tật đi xe lăn đang xem hội trong sân đền.
Chim hạc đang được trưng bày tại đền An Dương Vương |
k.hoan |
Điều lạ lùng là con chim hạc này không hề tỏ ra sợ hãi dù rất đông người vây quanh. Sau đó, chim hạc không chịu bay đi mà chỉ quẩn quanh ở ngôi đền này. Những người quản lý đền đã cho chim ăn và ít ngày sau, con chim hạc chết. Ban quản lý đền đã mang xác chim mang ra Hà Nội nhồi bông, bảo quản và chuyển về lại đền thờ An Dương Vương.
Từ đó đến nay, con chim hạc này vẫn được bảo quản trong tủ kính, trưng ở hạ điện đền thờ An Dương Vương.
Ông Lương cũng cho biết, khi chim hạc còn sống, mỗi cánh của nó sải dài 1,5 mét.
Chim hạc khiến nhiều người tò mò khi đến viếng tại đền Cuông |
Đúng một năm sau đó, năm 1996, cũng vào ngày lễ hội đền thờ An Dương Vương, người dân địa phương phát hiện một con cá voi rất lớn bị chết, trôi dạt vào bờ biển Cửa Hiền ở gần núi Mộ Dạ.
Nhiều người cho rằng, chim hạc chính là Mỵ Châu hóa thân để tham gia lễ hội cùng mọi người. Biển Cửa Hiền khi xưa là nơi An Dương Vương gieo mình xuống biển, cá voi chết dạt vào bờ là minh chứng cho sự tuẫn tiết bi thương của vua An Dương Vương.
Người dân đến viếng đền thờ An Dương Vương |
K.hoan |
Người dân đến xem các trò chơi thể thao tại lễ hội đền Cuông |
huy thư |
Đền thờ An Dương Vương (đền Cuông) được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1975. Năm 2021, khu di tích lịch sử văn hóa này được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là điểm du lịch.
Đền Cuông còn là một danh thắng bởi sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên. Đền nằm ở lưng núi Mộ Dạ, trên núi là rừng thông bạt ngàn, sau núi là biển.
Lễ hội đền Cuông được tổ chức hằng năm từ ngày 12-16.2 âm lịch. Vào những ngày diễn ra lễ hội, người dân thường bày mâm cỗ với những sản vật của biển để dâng lên An Dương Vương để tỏ lòng biết ơn, đồng thời cầu mong năm mới may mắn, an lành, mong những chuyến biển thuận buồm xuôi gió.
Bình luận (0)